Nông dân thành phố Lạng Sơn chăm sóc cây giống để trồng rừng. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN |
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn, diện tích vùng trồng bạch đàn của Lạng Sơn chủ yếu là giống bạch đàn PN14. Sau gần 20 năm thâm canh, loại giống này đã có biểu hiện thoái hóa, năng suất ngày càng giảm, đến nay chỉ còn đạt sản lượng chưa đến 20m3 gỗ/ha/năm. Chất lượng rừng trồng cũng thấp, một số nơi đã xuất hiện bệnh hại nghiêm trọng. Điển hình như tại một số huyện như Hữu Lũng, Tràng Định… có hiện tượng rừng bạch đàn PN14 xuất hiện bệnh thối rễ hàng loạt và có biểu hiện phân cành sớm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất. Trước thực trạng đó, từ năm 2015, tỉnh Lạng Sơn đã đưa 5 giống bạch đàn mới gồm: PNCT3, UP99, UP35, PN108, PNCT4 vào trồng khảo nghiệm. Sau hơn hai năm trồng khảo nghiệm cho thấy: 5 giống bạch đàn mới đều sinh trưởng tốt và có năng suất, trữ lượng cao hơn giống PN14 rất nhiều; trong đó có 2 giống: PNCT3 và UP99 có năng suất, trữ lượng vượt trội và có sức sinh trưởng nhanh, đồng đều, chất lượng sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Kỹ sư Hoàng Mạnh Chức, Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Khảo nghiệm một số giống bạch đàn mới năng suất, chất lượng cao tại Lạng Sơn” cho biết: Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành trồng khảo nghiệm 5 giống bạch đàn mới và giống PN14 cũ trên diện tích 6 ha tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng) và xã Trung Thành (Tràng Định). Trong quá trình thực hiện, tiến hành theo dõi, đo đếm, đánh giá sinh trưởng và phân tích ảnh hưởng của yếu tố giống; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc các giống bạch đàn sinh trưởng vượt trội. Kết quả cho thấy các giống bạch đàn đưa vào trồng khảo nghiệm đều phát triển tốt. Đặc biệt hai giống bạch đàn PNCT3 có tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất bình quân đạt 34,7m3 gỗ/ha/năm; giống bạch đàn UP99 có tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất bình quân đạt 32,2m3/ha/năm. Phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của Lạng Sơn, nên việc trồng khảo nghiệm thành công các loại bạch đàn giống mới có chất lượng cao đã và đang được các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm, bởi những giống bạch đàn này có ưu điểm ngoài việc cho năng suất, chất lượng cao còn rút ngắn chu kỳ sản xuất, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế rừng. Cũng theo Kỹ sư Hoàng Mạnh Chức, trên cơ sở nghiên cứu thành công của đề tài cho thấy, giống bạch đàn PNCT3 và UP99 rất phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai tại huyện Hữu Lũng và những nơi có điều kiện tương tự tại Lạng Sơn. Nên hai giống này cần được mở rộng đưa vào trồng thay thế loại giống cũ, kém hiệu quả trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Thái Thuần