Các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới... Đây là đánh giá được đưa ra tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn tổ chức, ngày 31/1.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn, năm 2023, tỉnh có 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 24 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hộ nghèo trên địa bàn giảm 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống 6,02%).
Đến hết năm 2023, Lạng Sơn có hơn 96% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 81% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 99% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi, học sinh trong độ tuổi học Tiểu học, học Trung học Cơ sở đến trường; 100% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo.
Giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tính đến hết ngày 5/1/2024 bằng 56,6% kế hoạch.
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận, chỉ tiêu chủ yếu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 cơ bản đạt theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên còn ở mức thấp. Các chỉ tiêu quan trọng đánh giá tính bền vững chưa cao, đặc biệt là chỉ tiêu về thu nhập, khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức thấp...
Để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, thời gian tới, Ban Dân tộc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia) phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu, khẩn trương triển khai ngay những nội dung không vướng mắc về cơ chế, chính sách; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, tham mưu UBND tỉnh cân đối, bổ sung nguồn ngân sách tỉnh (đầu tư công) cho các huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, 2025.
Sở Tài chính tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng, tính pháp lý, kết quả giải ngân vốn… trong thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn, phạm vi quản lý. UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí vốn đối ứng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo tỷ lệ quy định.
Vũ Văn Đạt