Hộ gia đình bà Vũ Thị Chín, thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang phơi miến chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Bà Vũ Thị Chín, thôn 6, xã Giới Phiên cho biết, vào dịp Tết gia đình không kịp sản xuất miến để phục vụ đơn đặt hàng. Thời tiết thuận lợi như hiện nay, bình quân mỗi ngày gia đình bà làm khoảng hơn một tạ miến, miến làm tới đâu hết tới đó.
Theo ông Vũ Đức Thành, thôn 3, xã Giới Phiên, gia đình có 3 người làm miến chính, những ngày gần tết ông huy động thêm các con để sản xuất miến kịp đơn hàng phục vụ Tết. Gia đình phải dậy từ 4 giờ sáng và kết thúc công việc vào tận đêm khuya.
Từ lâu, miến đao Giới Phiên được nhiều người biết đến với quy trình làm hoàn toàn bằng dong riềng nguyên chất, không sử dụng hóa chất để tẩy trắng, miến ra khuôn được phơi nắng đến khô, sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, dai, không nát, có vị thơm ngon của dong riềng. Các hộ bán bột đều phải tuân thủ theo quy định trong quá trình xay, lắng, lọc, bảo quản vận chuyển bột tới cơ sở chế biến miến để đảm bảo chất lượng miến. Đây là một sản phẩm được khách hàng cả nước ưa chuộng mỗi dịp Tết.
Với giá bán miến cao, khoảng trên 40.000 đồng/kg đem lại thu nhập ổn định, nâng chất lượng cuộc sống cho người dân xã Giới Phiên. Trung bình mỗi ngày, một hộ ở Giới Phiên làm khoảng 150kg bột tươi và cho ra 100kg miến thành phẩm. Mỗi gia đình làm miến trong 2 - 3 tháng Tết có thể thu về 50 – 60 triệu đồng.
Người dân Giới Phiên làm miến quanh năm nhưng tập trung nhất vào khoảng 3 tháng cuối năm. Theo họ, làm miến không phải lo đầu ra sản phẩm, các thương lái tới tận nhà thu mua. Mỗi hộ gia đình có một thương lái thu mua riêng và đem lại thu nhập ổn định hơn so với làm nghề nông nghiệp khác.
Nghề sản xuất miến được du nhập vào xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái từ những năm 1970, xuất xứ từ làng miến Hoài Đức (Hà Nội). Miến đao của Giới Phiên khác với miến đao sản xuất thông thường khác bởi bột đao làm miến nguyên chất không pha trộn các loại bột khác; đánh nước lắng bột từ 6 - 7 lần để loại bỏ các tạp chất, sạn và mùi chua. Miến chỉ phơi một nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy; mỡ làm miến phải là mỡ mông, tạo cho miến có mùi thơm đặc trưng riêng…
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho Hợp tác xã miến đao Giới Phiên. Nhờ đó, miến Giới Phiên có thương hiệu và chỗ đứng ổn định trên thị trường, được nhiều người biết đến và sử dụng. Ngoài ra, còn tạo động lực giúp người dân làng miến Giới Phiên gắn bó với nghề.
Bà Vũ Thị Chín, thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang phơi miến phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giới Phiên cho biết, hiện xã còn gần 40 hộ duy trì nghề làm miến, trung bình mỗi năm xã sản xuất khoảng 600 - 700 tấn miến để đưa ra thị trường. Thời gian qua, xã tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất miến, đặc biệt chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện việc sản xuất miến gặp nhiều khó khăn như: diện tích làm miến của xã ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và quy hoạch đất đai, Ngoài ra, thiếu nguyên liệu làm miến là bột củ dong riềng. Nguồn nguyên liệu ở địa phương khan hiếm nên phải nhập bột dong từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Bên cạnh đó, việc sản xuất miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nếu nắng ấm sản xuất đều, còn thời tiết mưa nhiều thì sản lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm vì miến phơi không được nắng gió sẽ bị ẩm, mốc, không giữ được đặc trưng giòn, dai của sợi miến.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã Giới Phiên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất miến, gìn giữ truyền thống làng nghề, nâng chất lượng miến Giới Phiên để người dân biết đến và tin dùng. Bên cạnh đó, xã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất miến để họ gắn bó với nghề.
Đinh Thùy – Việt Dũng