Làng khăn xếp “độc nhất” miền Bắc tất bật vào vụ Tết

Công đoạn vẽ, trang trí hoạ tiết cho khăn xếp là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay từ người thợ. Ảnh: Công Luật-TTXVN
Công đoạn vẽ, trang trí hoạ tiết cho khăn xếp là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay từ người thợ. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Làng Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định được biết đến là nơi duy nhất ở miền Bắc có nghề truyền thống làm khăn xếp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, nghề vẫn được lưu truyền và phát triển. Cuối năm cũng là lúc làng nghề bận rộn nhất với nhiều đơn hàng phục vụ thị trường Tết và những lễ hội đầu năm.

Làng khăn xếp “độc nhất” miền Bắc tất bật vào vụ Tết ảnh 1Thời điểm này, làng nghề khăn xếp Giáp Nhất tất bật sản xuất hàng phục vụ nhu cầu thị trường trong lễ cưới hỏi và các lễ hội đầu năm. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Hình ảnh áo the, khăn xếp trong lễ hội, đám cưới, mừng thọ từ lâu trở thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Nếu như áo the được sản xuất rộng rãi tại miền Bắc, khăn xếp chỉ sản xuất ở làng Giáp Nhất. Theo các cụ cao niên, làng khăn xếp hoạt động nhộn nhịp nhất vào thế kỷ XIX, khi ấy mỗi nhà đều sở hữu nhiều khuôn để làm khăn. Từ sau năm 1950, do cuộc sống khó khăn, sản phẩm làm ra ít tiêu thụ được, người dân dần bỏ nghề. Từ năm 1990, nhu cầu thị trường tăng mạnh, người dân dần quay lại với nghề truyền thống.

Anh Đoàn Văn Thủy, chủ cơ sở làm khăn xếp tại làng Giáp Nhất cho biết, khăn xếp có ba loại: Khăn dành cho nam, khăn dành cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được. Khăn xếp truyền thống thường được làm bằng vải lụa với ba màu cơ bản là vàng, đỏ và đen. Số lượng vòng xếp từ 7-9, tùy thuộc độ tuổi cũng như giới tính của người sử dụng, điểm nhấn khăn xếp là hình chữ “nhân” với ý nghĩa tượng trưng cho nhân đức của con người.

Làng khăn xếp “độc nhất” miền Bắc tất bật vào vụ Tết ảnh 2Anh Đoàn Văn Hữu, người dân làng Giáp Nhất thực hiện công đoạn bọc vành ngoài khăn xếp. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Để tạo ra một chiếc khăn xếp phải trải qua các công đoạn như: Cắt xốp, máy vải, quấn xếp, bọc vành ngoài, vẽ hoa văn… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao của người thợ. Đặc biệt, trong khâu quấn xếp, người thợ cần tập trung, cần mẫn, tỉ mỉ, chặt tay để các nếp không bị xô lệch. Một chiếc khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý.

Chất liệu làm khăn trước đây là nhiễu, vải lượt, sa tanh. Cốt khăn được làm bằng giấy, thậm chí là cuốn rơm. Ngày nay, khăn xếp được làm bằng chất liệu tốt hơn như sa tanh bóng, phi, nhung, gấm... cốt khăn làm bằng mút xốp. Trước đây, khăn xếp chủ yếu được làm với duy nhất một màu đen cho đàn ông đội nhưng để thích ứng nhu cầu của xã hội, khăn xếp dần dần chuyển sang đủ các loại màu với mục đích sử dụng khác nhau: Khăn đen, khăn quàng dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô dâu, khăn chú rể, khăn biểu diễn, khăn tế, khăn hầu đồng.

Người làng Giáp Nhất bận rộn quanh năm với việc làm khăn xếp nhưng chỉ bán chạy nhất vào dịp cuối năm, tháng Ba và tháng Tám hàng năm, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội. Trong thời gian này, nhân công của các cơ sở sản xuất phải làm thêm giờ, thậm chí làm cả đêm kịp giao cho khách hàng. Sản phẩm khăn xếp làm ra chủ yếu được đưa lên các đầu mối ở Hà Nội rồi xuất đi cả nước.

Ông Đoàn Thành Sơn, một trong những người đầu tiên mở xưởng làm khăn xếp tại làng Giáp Nhất chia sẻ, hiện cơ sở sản xuất của ông có khoảng 20 hộ nhận nguyên liệu về làm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản sản xuất được khoảng 200 chiếc khăn xếp với nhiều loại khác nhau, mỗi chiếc có giá bán trên dưới 20.000 đồng, tùy từng loại, kích cỡ.

Loại khăn xếp cao cấp có giá lên đến 200.000 đồng/chiếc, tuy nhiên mặt hàng này chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng.

Làng khăn xếp “độc nhất” miền Bắc tất bật vào vụ Tết ảnh 3Công đoạn vẽ, trang trí hoạ tiết cho khăn xếp là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay từ người thợ. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Tại làng Giáp Nhất có khoảng 7 cơ sở làm khăn xếp lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Các cơ sở thường thuê nhân công theo mô hình khoán sản phẩm, mỗi người chỉ làm chuyên một công đoạn, thu nhập tùy theo số lượng sản phẩm làm ra. Nhờ đó, nhân công có thể nhận nguyên liệu mang về nhà làm, tuy công việc lương không cao nhưng lại rất phù hợp với những người đã hết tuổi lao động.

Bà Nguyễn Thị Toàn, người dân làng Giáp Nhất chia sẻ, ngoài sản xuất nông nghiệp, bà thường xuyên nhận làm khăn xếp cho các cơ sở trong làng để kiếm thêm thu nhập. Công việc của bà là máy khăn xếp, thu nhập mỗi ngày dao động 100-150 nghìn đồng, tuy số tiền không nhiều nhưng công việc nhàn, chủ động thời gian làm những việc khác.

Làng khăn xếp “độc nhất” miền Bắc tất bật vào vụ Tết ảnh 4Công đoạn tạo khuôn làm khăn xếp của các nghệ nhân làng Giáp Nhất. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Làng nghề làm khăn xếp Giáp Nhất đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, giá một chiếc khăn không cao nên tiền công của người làm tương đối thấp. Mỗi ngày, trung bình một người làm nhận được 100-150 nghìn đồng, tùy số lượng thành phẩm. Mức thu nhập thấp là nguyên nhân khiến lớp trẻ của làng không còn quá mặn mà với nghề truyền thống.

Ông Bùi Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang cho biết, năm 2021, sản phẩm khăn xếp của làng nghề Giáp Nhất được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của người dân cũng như hiệu quả các sản phẩm của làng nghề trên thị trường, khuyến khích bà con tiếp tục sản xuất, giữ lửa nghề truyền thống.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm