Làng K130 - Nửa thế kỷ phát huy truyền thống cách mạng

Làng K130 - Nửa thế kỷ phát huy truyền thống cách mạng
Làng K130 trước đây nằm giữa ba bề ruộng nước, địa hình thấp trũng, lầy lội nên được gọi là Hạ Lội. Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, làng Hạ Lội nằm sát cầu Già, đồng thời cũng là điểm giao thông huyết mạch giữ hai con đường sông - bộ. Xác định được tầm quan trọng của vị trí này nên đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng hòng chặn đứng huyết mạch giao thông của quân và dân ta trên đường chi viện cho miền Nam. Để thực hiện dã tâm đó, trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội gần 19 ngàn quả bom, 1.522 quả rốc két, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
 
Dấu tích bến phà dã chiến (cũ) ở cuối làng K130 bên sông Già. Ảnh: sggp.org.vn
Dấu tích bến phà dã chiến (cũ) ở cuối làng K130 bên sông Già. Ảnh: sggp.org.vn

Tháng 8/1968, nhiều tuyến đường bộ như Quốc lộ 15A, Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiến Lộc bị địch đánh phá khiến giao thông tắc nghẽn, hệ thống cầu cống bị máy bay địch phá hủy hoàn toàn. Xe chi viện lương thực, thực phẩm, đạn dược cho tiền tuyến bị nghẽn tại cung đường này. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị phải mở ngay một con đường để xe qua phà vượt sông tránh đường 1A. Đoạn từ cầu Cổ Ngựa đến cầu Già đi qua tâm làng Hạ Lội chính là nơi cần mở đường.

Năm nay đã gần 85 tuổi, ông Trần Đình Trọng, nguyên Chủ tịch xã Tiến Lộc giai đoạn 1965 - 1974 vẫn nhớ như in giây phút cả dân làng thần tốc dỡ nhà làm đường, làm cầu. Ông Trọng chậm rãi kể: "10 giờ ngày 13/8/1968, tôi nhận được lệnh từ cấp trên lên huyện họp khẩn về nội dung đảm bảo an toàn giao thông. Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ thị từ trên về việc cần thiết phải mở một tuyến đường “xế” chạy qua làng Hạ Lội nhanh chóng và bí mật, tôi không kịp ăn trưa, đạp xe ngay về xã. Lúc đó đã 3 giờ chiều, tôi tập hợp ngay lãnh đạo xã, xã đội, ban chủ nhiệm hợp tác xã..., thông báo nhanh tình hình và yêu cầu của cấp trên."

Khẩu hiệu được nguyên Chủ tịch xã Tiến Lộc Trần Đình Trọng đưa ra lúc bấy giờ là “Xe chưa qua, nhà không tiếc” đã trở thành quyết tâm của nhân dân làng Hạ Lội. Ông Trần Đình Trọng nhớ như in: Có 3 ý kiến phát biểu của người dân khiến tôi nhớ mãi. Ông Lê Bá Kiên, người có nhà ở điểm bắt đầu của con đường dự kiến quyết tâm dỡ nhà trước tiên và vận động con cháu, anh em cùng tham gia. Một ý kiến nữa là của bà Đinh Thị Trí, người có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, sống một mình. Năm ấy bà Trí 69 tuổi, gom góp mãi mới mua được cỗ quan tài hậu sự. Trước cuộc họp, bà Trí thẳng thắn: “Tôi chỉ có cỗ hậu sự là đáng giá, tôi xin xung phong hiến cỗ hậu sự của mình để làm ván kê cho xe qua những đoạn lầy lội”. Còn ông Nguyễn Chương, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ban kiểm soát hợp tác xã Trường Giang, rất sốt sắng: “Thời gian của chúng ta là rất gấp gáp, theo tôi giờ chúng ta không cần phải bàn bạc nữa, cách mạng cần thì chúng ta về dỡ nhà làm đường thôi…”

Kết thúc cuộc họp, không ai bảo ai, mọi người nhanh chóng về nhà dời dọn đồ đạc, sơ tán người già, trẻ em và khẩn trương dỡ nhà. Những gia đình có nhà nằm trên đường xe đi qua được dời dỡ và dọn trước, nhà dời dọn đến đâu thì lực lượng công binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong làm đường đến đó. Người dân ngoài việc dỡ nhà còn tự nguyện chặt tre, vác gỗ nhà mình và chuyển hàng trăm tấm phên xuống làm mố cầu. Cả xã Tiến Lộc hừng hực khí thế “Vì miền Nam ruột thịt”. Người dân trong toàn xã đổ về làng Hạ Lội để cùng làm một con đường cho kịp giờ xe vào tiền tuyến miền Nam.

Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, 130 ngôi nhà, một ngôi miếu, 4 nhà thờ họ và 2 hợp tác xã được dỡ xuống; đoạn đường dài 1,2 km qua làng Hạ Lội cơ bản hoàn thành ngay trong đêm 13/8/1968. Đến 3 giờ ngày hôm sau, chiếc xe đầu tiên bắt đầu chuyển bánh trên đường “xế” xuống phà và qua sông an toàn trong niềm vui mừng, xúc động của quân và dân làng Hạ Lội. Từ đêm đó trở đi, từng đoàn xe đi qua đường “xế” vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến một cách an toàn, không còn sa lầy, ùn tắc như trước nữa. Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày người dân Hạ Lội dùng cây tre ngụy trang con đường huyết mạch, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, con đường “xế” qua làng Hạ Lội được đảm bảo an toàn cho đến ngày ngừng bắn.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân làng Hạ Lội, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đặt tên cho làng Hạ Lội thành làng Văn hóa chiến tích K130. Làng K130 vinh dự được công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2006.

Nửa thế kỷ đã đi qua, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, nhân dân làng K130 đang vững bước đi theo con đường đổi mới của Đảng. Làng K130 nay đang đổi thay từng ngày, con đường huyền thoại năm xưa nay chỉ còn trong ký ức. Những hố bom xưa được người dân cải tạo thành hồ thả cá với mô hình cá - lúa - vịt cho thu nhập cao. Màu xanh mới đang dần sinh sôi trên cánh đồng mẫu hơn 100 ha, những vườn cây trĩu quả cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh chia sẻ: Bằng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Tiến Lộc đã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015, sớm trước thời hạn đề ra 2 năm. Dựa vào sức dân, xã Tiến Lộc đang ra quân sôi nổi thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32,8 triệu đồng/người/ năm.

Niềm mong mỏi của người dân Tiến Lộc về việc xây dựng Khu di tích K130 đang dần trở thành hiện thực khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thống nhất với tỉnh Hà Tĩnh lập Dự án tôn tạo di tích Làng K130. Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: Huyện Can Lộc sẽ xây dựng Làng K130 thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự hy sinh, công sức của nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng thần kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều hạng mục, công trình sẽ được nhà nước đầu tư xây dựng, để nơi đây sẽ trở thành một trong những địa chỉ đỏ, là điểm đến của người dân trong, ngoài địa phương.
 
Hoàng Ngà
TTXVN

Có thể bạn quan tâm