Làng Chăm vào hội Katê

Làng Chăm vào hội Katê

Katê là lễ hội truyền thống của người Chăm, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, ông bà và tổ tiên. Lễ hội Katê năm nay diễn ra vào ngày 11, 12 tháng 10 dương lịch (nhằm mồng 1 tháng 7 Chăm lịch).

Cụm tháp Po Sah Inư, nơi diễn ra lễ hội Katê. Ảnh: Hữu Thành
Cụm tháp Po Sah Inư, nơi diễn ra lễ hội Katê. Ảnh: Hữu Thành

Thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, đội văn nghệ đã tập luyện hơn một tuần nay. Tuy bận rộn với công việc đồng áng, học hành, nhưng những chàng trai, cô gái Chăm vẫn dành thời gian để tham gia diễn tập. 
 
Ông Thông Khói, trưởng thôn 3, cho biết, gần 10 năm nay, gần đến Katê là bà con trong làng chộn rộn. Bà con sẽ tổ chức lễ hội Katê tại đền tháp Po Sah Inư, ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. 
 
Palei Hamu Kam (tức thôn 3) đảm nhiệm việc làm lễ và tham gia 5 tiết mục văn nghệ. Phải nói là Nhà nước rất quan tâm về kinh phí, kể cả điện, nước, ánh sáng tại nơi thờ cúng trên tháp, Nhà nước lo hết. Bà con mình chỉ bỏ công sức ra tham gia mà thôi - ông Thông Khói nói.
Lễ hội Katê diễn ra nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận như đền thờ Po Nit ở thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp; đền thờ Po Klong Mơnai ở thôn Lương Bình, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình và đặc biệt là tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận.
 
Dịp Katê cổ truyền, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tổ chức biểu diễn nghề thủ công truyền thống dệt và gốm; hội thi làm bánh gừng và trang trí lễ vật dâng cúng Katê; thi hòa tấu nhạc cụ Chăm. Trung tâm còn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận tổ chức triển lãm khoảng 60 tác phẩm tranh, ảnh, tượng Chăm với chủ đề “Hội tụ sắc màu Chăm”. Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 12/10 đến 21/10/2015. 
 
Không khí háo hức chào đón Katê ở Bình Thuận không chỉ thấy ở nơi đền tháp, mà tưng bừng đến từng ngõ ngách các palei. Bà Đơn Thị Tang, ở làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, bận rộn làm bánh cho ngày Katê. Bà cho biết, trong ngày Katê của gia đình không thể thiếu các lễ vật như bánh đòn, bánh kên, bánh ít, bánh thựng, bánh Sakaya, Ginraong Ya (bánh gừng)... Ai ai cũng háo hức chuẩn bị cho ngày lên tháp.
 
 
 

Có thể bạn quan tâm