Thanh niên dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) đã trở thành lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế địa phương . Ảnh: Hoàng Hà |
Gia Lai hiện có khoảng 300.000 thanh niên, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,95%. Kể từ khi phong trào khởi nghiệp được Chính phủ phát động, phát huy tiềm năng địa phương, nhiều thanh niên người DTTS đã đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển du lịch homestay.
“Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Gia Lai đã tổ chức nhiều diễn đàn giao lưu, đối thoại với các doanh nhân trẻ thành đạt và phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số…” - Anh Phan Hồ Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai |
Đó là mô hình trồng cây công nghiệp và ăn quả của anh Kpă Meo, người Jrai ở làng Tung, xã Ia O, huyện Chư Prông; Mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Đinh Khét, người Bahnar ở làng T’Kắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro; Mô hình du lịch homestay của anh Đinh A Ngưi, người Bahnar ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang... Dù chỉ mới khởi nghiệp nhưng các mô hình trên đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, là minh chứng cho tinh thần vượt khó trong lao động, sản xuất của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Đinh Khét, người Bahnar ở xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro (Gia Lai). Ảnh: Hoàng Hà |
Đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp của anh Kpă Meo ở làng Tung, xã Ia O, huyện Chư Prông, trước mắt chúng tôi là những diện tích cao su, cà phê, cây ăn quả xanh mướt trải dài. Từng là Bí thư Chi đoàn xã, lại có kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, sau một thời gian tham gia phong trào khởi nghiệp, anh Kpă Meo có 6 ha cao su, 4 ha cây ăn quả (mít, na, cam, bưởi), 1 ha chuối và 0,5 ha cà phê. Không chỉ có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ năm, anh Kpă Meo còn tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động nghèo trong xã với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/ tháng. Là gương sáng trong phong trào thanh niên DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi, năm 2018, anh Kpă Meo đã vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Anh Kpă Meo, người Jrai ở làng Tung, xã Ia O, huyện Chư Prông (Gia Lai) đã có 6 ha cao su, 1 ha chuối, 0,5 ha cà phê và 4 ha cây ăn quả các loại, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Hà |
Lan tỏa tinh thần thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
Rời huyện Chư Prông, chúng tôi đến tham quan mô hình du lịch homestay của anh Đinh A Ngưi, người Bahnar ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang. Dù mới bắt đầu từ năm 2018 nhưng đến nay, mô hình du lịch này đã đón trên 2.000 lượt khách, trong đó có nhiều người nước ngoài đến trải nghiệm và sử dụng dịch vụ. Cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/tháng, mô hình du lịch homestay của anh Đinh A Ngưi đang là điểm sáng trong phong trào khởi nghiệp ở Gia Lai.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai hỗ trợ vốn vay cho các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án của thanh niên người dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoàng Hà |
Học theo anh Đinh A Ngưi, khoảng 10 hộ khác trong làng cũng phát triển du lịch, cuộc sống đang từng bước cải thiện. “Làm du lịch cộng đồng không chỉ giúp du khách có được những trải nghiệm với người dân địa phương như: bắt cá suối, vào rừng lấy mật ong..., thưởng thức âm nhạc truyền thống, các món ăn đặc trưng dân tộc mà còn giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập” - anh Đinh A Ngưi chia sẻ.
Tỉnh đoàn Gia Lai trao phần thưởng tuyên dương thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp tiêu biểu cho anh Đinh Vênh ở làng Brếp, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) với mô hình trồng cà phê. Ảnh: Hoàng Hà |
Nhằm tạo sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chương trình khởi nghiệp, đồng thời tổ chức biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến kịp thời. Theo anh Phan Hồ Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, đến cuối năm 2019, Ban Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã tổ chức tuyên dương 50 gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2019, trong đó có 5 gương thanh niên người DTTS với mức thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm.
Bí thư Chi đoàn xã Ia O, huyện Chư Prông (Gia Lai), đảng viên trẻ Kpă Meo đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều thanh niên và đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Hà |
Anh Đinh A Ngưi, người Bahnar ở làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) hướng dẫn bà con trong làng cách thức biểu diễn điệu Xoang cổ. Ảnh: Hoàng Hà |
Cán bộ huyện Kông Chro (Gia Lai) phổ biến chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước cho thanh niên và đồng bào dân tộc Bahnar ở xã Đak Kơ Ning. Ảnh: Hoàng Hà |
Buôn làng của đồng bào dân tộc ngày càng đổi mới. Trong ảnh: Làng T’Kắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro (Gia Lai). Ảnh: Hoàng Hà |
Phong trào thanh niên khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ ở Gia Lai, đặc biệt là trong thanh niên DTTS. Các mô hình khởi nghiệp không chỉ tạo công ăn, việc làm cho thanh niên mà còn góp phần nâng cao thu nhập bình quân trên địa bàn - đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%.
Hữu Hải – Phạm Điệp – Hoàng Hà
DTMN