Đồng bào bon Bu Koh, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) trình diễn dân vũ trong Lễ hội Tach Năng Yo. |
Theo nghệ nhân H’Jang-người đứng ra truyền dạy thì hát dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng. Khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ dân tộc và trang phục truyền thống, không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Do đó, việc truyền dạy dân ca của người Mạ cũng là cách duy trì văn hóa của dân tộc. Điều đáng ghi nhận là chỉ sau vài đêm tham gia lớp học, các bạn trẻ đã có thể hát một số bài dân ca, thể hiện được các điệu múa, bài nhạc cổ của người Mạ.
Em H’Hồng vui vẻ nói: “Được sự khuyên nhủ, vận động của những người già trong bon, em đã theo học hát dân ca được mấy hôm rồi. Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa của từng bài hát nhưng em cảm thấy hay và rất cuốn hút”.
Nghệ nhân H’Jang tâm sự: “Chúng ta đều già và rồi sẽ về với ông bà tổ tiên nên phải tranh thủ truyền lại nét văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ. Dân ca dân vũ gắn với đời sống tinh thần của người Mạ và thấy lớp trẻ ngày càng say mê với các bài hát dân tộc, tôi cũng như những người già trong bon vui lắm”.
Đoàn nghệ nhân huyện Đắk Song thi hát dân ca tại Hội thi diễn tấu cồng chiêng. |
Em H’Đá cho biết: “Từ trước tới nay, em chỉ nghe những bài hát hiện đại, nhạc trẻ. Được sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân, giờ đây em đã thuộc 2 bài hát của dân tộc mình và rất vui vì điều đó”.
Là một nghệ nhân đa tài về cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ có tiếng của tỉnh, nghệ nhân Y Sim tâm sự: “Trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng của đồng bào Ê đê, dân ca là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhưng hiện nay, do việc du nhập của các luồng văn hóa hiện đại nên bản sắc riêng của dân tộc đang bị mai một, trong đó có cả các làn điệu dân ca. Vì vậy, việc truyền dạy dân ca cũng là trách nhiệm của thế hệ lớn tuổi như chúng tôi. Nếu không truyền dạy sớm thì một vài năm nữa lớp trẻ cũng chẳng biết hát aray, đối đáp là gì”.
Các nghệ nhân bon Kala Dơng, xã Quảng Khê truyền dạy dân ca cho các em nhỏ. |
Trên cơ sở đó, nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian ra đời và hoạt động hiệu quả, góp phần đưa các làn điệu dân ca dân vũ trở lại cuộc sống bình dị của đồng bào. Những làn điệu dân ca cổ như Rong Oh, Guh ta luh, N’chisk m’póh, Tâm rnê… đã thực sự trở lại với cộng đồng. Đặc biệt, các cuộc liên hoan dân ca, hát ru cũng được tỉnh, các địa phương tổ chức thường xuyên và thu hút nhiều nghệ nhân tài hoa của các dân tộc về tham dự.
Báo Đắk Nông