Lan tỏa mạnh mẽ, thực chất Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Gìn giữ tiếng nói và chữ viết của người Dao ở sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: An Thành Đạt - BADTMN
Gìn giữ tiếng nói và chữ viết của người Dao ở sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: An Thành Đạt - BADTMN

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Xây dựng môi trường văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt lên hàng đầu. Trong đó, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục khẳng định là nòng cốt, bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhiều nội dung hoạt động đã đi vào thực chất, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân.

Lan tỏa mạnh mẽ, thực chất Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ảnh 1Gìn giữ tiếng nói và chữ viết của người Dao ở sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: An Thành Đạt - BADTMN

* Di sản "sống khỏe" trong cộng đồng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái đang thực hiện mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch theo phương châm lấy người dân là trung tâm, chủ thể các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Yên Bái hiện có hơn 150 mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số phục vụ hoạt động du lịch đang hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nổi bật là: Đội văn nghệ dân tộc Tày xã Mường Lai, huyện Lục Yên; đội văn nghệ dân tộc Thái xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; đội văn nghệ dân tộc Dao xã Khai Trung, huyện Lục Yên; đội văn nghệ dân tộc Mông thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, đội văn nghệ dân tộc Mông thị trấn trạm Tấu, huyện Trạm Tấu…

Các đội văn nghệ này góp phần giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc của dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Việc này cũng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái, thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch. Năm 2022, Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt người.

Yên Bái cũng đang thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Từ năm 2021 đến 2025, các địa phương tích cực tham mưu triển khai hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để lưu truyền, phổ biến sinh hoạt văn hóa truyền thống; xây dựng các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống; hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ truyền thống; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Từ đó, dự án sẽ thúc đẩy các đội văn nghệ bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Gia Lai đang thực hiện mô hình "Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm" gắn với phát triển du lịch. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân Bahnar và Jrai vào tối thứ 7 hằng tuần. Đồng bào trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống (suang), hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Du khách tham gia có thể giao lưu chụp ảnh cùng nghệ nhân, tìm hiểu văn hoá truyền thống; tham gia trải nghiệm múa hay đánh chiêng, thưởng thức rượu ghè, gà nướng...

Đặc biệt, cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ trong chương trình đều là nguyên bản, đúng với truyền thống, không có yếu tố hiện đại, cách tân, không sân khấu hóa và không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn.

Mỗi đêm diễn đều thu hút hàng nghìn lượt du khách, người dân tham dự, nắm tay nhau nối rộng vòng suang cùng các nghệ nhân. Rất nhiều học sinh coi đây là điểm đến thú vị, bổ sung kiến thức cần thiết cho chương trình giáo dục địa phương. Đáng nói là, phần lớn khán giả đến với "Cồng chiêng cuối tuần" đều sử dụng mạng xã hội, nhờ đó, sức lan tỏa của chương trình ngày càng rộng.

Hàng ngàn lượt người xem đã truyền tải hình ảnh đất nước, con người Gia Lai, trong đó có văn hóa cồng chiêng ra khắp đất nước và thế giới. Đây cũng là dịp để những nghệ sỹ từ buôn làng có không gian thực hành, thỏa sức sáng tạo di sản, tạo nên những hiệu ứng tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Từ khi bắt đầu vào tháng 4/2022 đến trước ngày 27/9/2023, "Cồng chiêng cuối tuần" huy động được kinh phí xã hội hóa. Sau đó cho đến hết năm 2023 sẽ nhận được kinh phí từ nguồn vốn Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

* Làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu, lan rộng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Bộ Văn hoá thể thao du lịch đã ban hành nhiều chỉ thị, tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, công tác văn hóa ở Trung ương và địa phương đã có những nỗ lực, bước đi đúng hướng. Tư duy về làm văn hóa sang quản lý văn hóa đang từng bước có những kết quả khích lệ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến nay đã từng bước đi vào thực chất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thông qua đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng luôn khẳng định: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, môi trường văn hóa lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đặt ra mục tiêu "làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống", đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp "đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến nay đã tạo nên sự lan tỏa, tác động tích cực vào các mặt của đời sống xã hội và xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam. Từ phong trào này đã tạo ra nhiều đợt thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, ngành. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc; xuất hiện nhiều trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn gương mẫu đứng ra phát động xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa.

Cục Văn hóa Cơ sở cho biết: Hiện nước ta đang có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao. Cùng với đó là xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; phát động và duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài…

Nhiều mô hình mô hình, câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình đã được các địa phương triển khai từ rất sớm...

Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần người dân. Có thể nói, công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã đạt được một số kết quả, có tính lan tỏa rộng, tác động mạnh làm thay đổi tư duy, tạo lối sống tích cực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Phong trào được thực tiễn kiểm nghiệm có sức sống trong đời sống xã hội, từ đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát huy sức mạnh, sáng kiến của cộng đồng để khuyến khích lan tỏa, phát triển theo chiều sâu. Các mô hình ở địa phương đều có đặc trưng riêng, phù hợp với thực tiễn, quan trọng hơn cả là đã tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

Đáng chú ý, Phong trào tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh. Qua đó, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.

Dù vẫn còn có những hạn chế nhất định cần giải quyết nhưng có thể nói là Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã góp phần phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ từ cơ sở.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm