Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Ninh Thuận

Khách hàng chọn mua sản phẩm giày dép sản xuất trong nước bán tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Khách hàng chọn mua sản phẩm giày dép sản xuất trong nước bán tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa xuất xứ Việt Nam và những sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh theo nhiều hình thức để mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, người tiêu dùng được cung cấp các sản phẩm với mẫu mã đa dạng và chất lượng ngày càng nâng cao.

Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Ninh Thuận ảnh 1Thực phẩm được bày bán tại chợ Phan Rang (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện như hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù; xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Ngành xây dựng các điểm bán sản phẩm đặc thù gắn với hoạt động du lịch; đưa hàng Việt về nông thôn thông qua các hội chợ, phiên chợ; tổ chức bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các điểm bán lẻ.

Đặc biệt, Ninh Thuận chú trọng phát triển hoạt động thương mại điện tử. Ngành Công Thương đã hỗ trợ, hướng dẫn 62 đơn vị với 257 sản phẩm (trong đó có 123 sản phẩm OCOP của 50 đơn vị) tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ: http://sanphamninhthuan.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử khác như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart… Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với đông đảo người tiêu dùng.

Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Ninh Thuận ảnh 2Các sản phẩm được bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận tại địa chỉ http://sanphamninhthuan.vn. Ảnh: TTXVN phát

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm, lựa chọn, sử dụng hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu và thương hiệu Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường Phủ Hà, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ, gia đình chị thường đi siêu thị Co.opmart Thanh Hà gần nhà để mua sắm. Tại đây có các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn, nước uống, đồ tiện ích do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. Siêu thị thường xuyên có chương trình giảm giá, hậu mãi cho người tiêu dùng, được nhiều khách hàng chọn mua. Chỉ khi nào sản phẩm cùng loại không có, chị mới dùng hàng ngoại.

Theo thống kê của Sở Công Thương Ninh Thuận, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.757 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ (đạt 58% so với kế hoạch). Các hoạt động thương mại diễn ra khá sôi động, giá cả hàng hóa và dịch vụ được kiểm soát tốt; nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; nhiều chương trình, hoạt động khuyến mại kích cầu tiêu dùng được diễn ra. Công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thị trường đã góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Ninh Thuận ảnh 3Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh thông tin, Ban Chỉ đạo xác định tiếp tục đẩy mạnh phát huy vai trò của các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước để lan tỏa hơn nữa tinh thần ủng hộ, ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng hóa Việt.

Song song đó, Ninh Thuận sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam ở Ninh Thuận ảnh 4Khách hàng chọn mua sản phẩm giày dép sản xuất trong nước bán tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tỉnh cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động phân phối truyền thống. Các đơn vị sản xuất công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngành chức năng tỉnh tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa trên địa bàn để đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm