Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma ở mô tai. Ngày 10/3, 4 con lợn con ỉ đã sinh ra khỏe mạnh, phát triển tốt từ công nghệ này.
Thăm và làm việc với Viện Chăn nuôi về nhân bản lợn ỉ ngày 14/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là một bước tiến vượt bậc, quan trọng về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao nhóm nghiên cứu của Viện Chăn nuôi đã chọn đúng đối tượng vì con lợn vẫn là đối tượng chiếm tỷ trọng chính trong thực phẩm Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là con cần phục hồi vì đây là đặc sản, đặc hữu của Việt Nam.
“Các nhà khoa học vừa sáng tạo, vừa kiên trì tận dụng tốt những thành tựu của thời đại biến thành kết quả của Việt Nam trong điều kiện trang thiết bị, vật chất rất hạn chế.”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu, với thành tựu trên, Viện Chăn nuôi rà soát lại toàn bộ quy trình để đảm bảo sự chắc chắn của kết quả, củng cố thành quả đạt được. Đồng thời từ đây, Viện Chăn nuôi tiếp tục xây dựng ra các nhiệm vụ mới của phương pháp này để giữ gìn, bảo tồn những giống vật nuôi bản địa đặc biệt cũng như mở ra một hướng đi phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản bản địa trong thực hiện Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Từ tháng 7/2017, Viện Chăn nuôi đã tổ chức triển khai Đề tài Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma thuộc Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020. Với đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm, Viện Chăn nuôi đã triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ tạo động vật nhân bản bằng cấy chuyển nhân tế bào soma.
Theo TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, tuy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học vẫn nỗ lực vượt qua để nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật.
Đó là các quy trình: tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản; tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi lợn nhân bản; cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn Ỉ nhân bản đạt cao; cấy chuyển phôi lợn nhân bản.
Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn. Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn 5-6 ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%. Chính vì vậy, ngày 10/3 đã có 4 con lợn ỉ nhân bản ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.
Theo ông Phạm Công Thiếu, thành tựu nổi bật này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm; kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra những con lợn nhân bản theo ý muốn, phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng trong tương lai.
Nhằm bảo vệ những con lợn ỉ bản địa còn lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển giao những cho Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam từ năm 2016.
Hiện nay, có hai công nghệ nhân bản động vật được ứng dụng là nhân bản động vật bằng chia tách phôi, cấy chuyển nhân từ các tế bào phôi, bào thai… và nhân bản động vật có vú bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma.
Trên thế giới, nhân bản động vật bằng cấy chuyển nhân tế bào soma ở động vật có vú thành công lần đầu tiên năm 1996 tạo ra chú cừu Dolly.
Bích Hồng