Sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Định đã mạnh dạn tái đàn, nuôi lợn theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Do ảnh hưởng của đợt dịch tả lợn châu Phi nên chị Nguyễn Thị Tâm, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân (Bình Định) bị tiêu hủy 10 con lợn nái và 40 con lợn thịt. Lứa lợn đó, chị Tâm thua lỗ trên 40 triệu đồng.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chị Tâm vay 50 triệu đồng theo chương trình vay không lãi suất của UBND tỉnh Bình Định để tái đàn. Đến nay, đàn lợn của chị đã phát triển gần 30 con; trong đó, 10 con đã xuất bán thu lãi cao, số lợn còn lại chuẩn bị xuất bán dịp Tết năm nay. Chị Tâm cũng đã nuôi trên 10 con lợn nái để tự tạo nguồn giống nuôi lợn thịt.
Chị Nguyễn Thị Tâm chia sẻ, rút kinh nghiệm đợt dịch năm ngoái, năm nay chị chú trọng thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Chị mua vôi về rải trong chuồng sát khuẩn sau hai đến ba tháng rồi mới nuôi. Chị cũng mua mùng (màn) về giăng xung quanh chuồng để không bị ruồi muỗi xâm nhập chuồng trại.
Huyện Hoài Ân có số lượng đàn lợn lớn nhất tỉnh Bình Định. Triển khai gói vốn vay không lãi suất từ 150 tỷ đồng của UBND tỉnh Bình Định, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Ân đã giải ngân 30 tỷ đồng cho 615 hộ vay để tái đàn lợn.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Ân cho biết, đơn vị đã rà soát kỹ các điều kiện về chuồng trại đảm bảo theo yêu cầu đối với các hộ vay vốn tái đàn.
Qua khảo sát thực tế, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, tái đàn khá tốt, có hộ đã xuất bán lợn và lãi cao. Đến nay, có 7 hộ vay đã trả nợ cho ngân hàng được 640 triệu đồng.
Từ sau dịch bệnh đến nay, nhiều gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xuất bán lợn với lãi suất cao, là tín hiệu đáng mừng để người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, mở rộng quy mô nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, tổng đàn lợn hiện nay trên địa bàn tỉnh gần 900.000 con, tăng 30% so với trước dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài các hộ dân được vay vốn không lãi suất để tái đàn lợn, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm trang trại lớn và vừa đang tích cực mở rộng quy mô nuôi lợn, tập trung ở các huyện Hoài Ân, Tây Sơn và thị xã An Nhơn.
Để việc chăn nuôi lợn phát triển bền vững, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh và hiện đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động các trang trại và hộ chăn nuôi tự thực hiện đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết, mỗi hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải như một “pháo đài” kiểm soát dịch bệnh. Ngành đã hỗ trợ cho người dân các loại thuốc để định kỳ hằng tháng tổ chức tiêu độc, khử trùng trên diện rộng.
Qua đợt dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại, gia trại không bị ảnh hưởng phần lớn là do thực hiện tốt các yêu cầu chăn nuôi an toàn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Kinh nghiệm cho thấy, những hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi an toàn, ngăn chặn triệt để các loại côn trùng, chuột, gà vị, chó mèo xâm nhập vào trang trại, kiểm soát tốt nguồn thức ăn cho lợn, phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ thì hầu như không có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh dịch tả lợn châu Phi, việc phòng chống các loại dịch bệnh thông thường khác trên đàn lợn cũng được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.
Tường Quân