Thông tin từ Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này vừa thực hiện xạ trị toàn thân cứu sống một bệnh nhân ung thư máu ác tính. Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam sử dụng kỹ thuật xạ trị toàn thân trong điều trị ung thư máu. Thành công của ca bệnh đã được báo cáo tại Hội nghị Truyền máu - Ghép tủy xương và Tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp lần 6, được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cuối tháng 10/2022.
Trước đó, tháng 3/2019, em Võ Minh B. (sinh năm 2005, ngụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên bị các cơn đau đầu, đau bụng hành hạ; đồng thời bị sốt, cảm giác lạnh vào mỗi chiều. Sau một thời gian, các cơn đau lan từ đầu, bụng sang các khớp xương và ngày càng đau nhức. Các xét nghiệm tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán, em bị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho. Em được chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa huyết học đầu ngành khu vực phía Nam để bắt đầu hành trình điều trị ung thư máu. Sau một năm điều trị, cuối năm 2020, bệnh nhân được ghép tế bào gốc và xuất viện, trở lại với trường học. Song, một thời gian sau, các cơn đau đầu, đau xương bất ngờ quay trở lại. Các bác sĩ xác định, bệnh ung thư máu đã tái phát ở khu vực thần kinh trung ương.
Quay trở lại bệnh viện, Võ Minh B. buộc phải phẫu thuật thay khớp háng do bị hoại tử. Sau khi ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ cho rằng cậu bé cần được ghép tủy. Tuy nhiên, do em bị ung thư bạch cầu cấp dòng lympho nên phải thực hiện xạ trị bằng phương pháp xạ trị toàn thân trước mới đảm bảo hiệu quả cho việc ghép tủy.
“Ở Việt Nam, thời điểm đó chưa có kỹ thuật xạ trị toàn thân, chúng tôi rất lo lắng. Gia đình định đưa cháu sang Đài Loan điều trị. Song lúc đó, cả hai mẹ con đều mắc COVID-19 nên chuyến đi phải hoãn lại. May mắn khi điều trị COVID-19 xong, biết Bệnh viện FV thực hiện được kỹ thuật này, gia đình đã đến đây để được tư vấn”, chị Thu Diễm, mẹ của Minh B. nhớ lại.
Tại Bệnh viện FV, gia đình bệnh nhân được bác sĩ Basma M’Barek - Trưởng Trung tâm Điều trị ung thư Hy vọng tư vấn rất kỹ lưỡng về liệu pháp xạ trị toàn thân. Theo bác sĩ Basma, để việc ghép tủy được diễn ra thuận lợi, bệnh nhân ghép tủy cần phải được ức chế các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Nếu không được kết hợp với xạ trị toàn thân, thông thường bệnh nhân ghép tủy phải sử dụng hóa trị liều cao để tiêu diệt tế bào và ức chế miễn dịch, tuy nhiên trong một số trường hợp, hiệu quả không được như mong đợi. Do vậy, xạ trị toàn thân tăng hiệu quả tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể và ức chế miễn dịch giúp chống thải ghép tủy sau này. Đây là phương pháp xạ trị kỹ thuật cao, khi toàn bộ cơ thể được điều trị bằng bức xạ ở liều lượng thấp, vừa đủ để có thể tiêu diệt tế bào tủy xương và các tế bào ung thư còn sót lại, đồng thời hạn chế tổn hại đến các mô bình thường khác để có thể tự chữa lành.
Cuối tháng 3/2022, Võ Minh B. được xạ trị toàn thân tại Bệnh viện FV nhằm đảm bảo không còn tế bào ung thư nào tồn tại. Liệu trình kéo dài 3 ngày, mỗi ngày 2 giờ đồng hồ. May mắn là bệnh nhân đáp ứng tốt phác đồ, các tế bào ung thư được quét sạch.
Ngày 11/4, bệnh nhân trở về bệnh viện đã điều trị trước đó để các bác sĩ tiến hành thủ thuật ghép tủy. Ngày 30/5, cháu B. được xuất viện sau khi ghép tủy thành công.
Hơn 6 tháng trôi qua, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các xét nghiệm gần đây cho thấy không có sự xuất hiện của tế bào ung thư trong cơ thể.
“Ca điều trị thành công này có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là cứu sống một bệnh nhân trẻ tuổi mà còn đánh dấu sự kiện chúng ta cập nhật thêm một vũ khí chống ung thư tiên tiến của thế giới cho bệnh nhân trong nước”, bác sĩ Basma nhấn mạnh.
Đinh Hằng