Phát hiện mục tiêu tiềm năng trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

Phát hiện mục tiêu tiềm năng trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đạt được bước đột phá trong việc điều trị ung thư thông qua liệu pháp miễn dịch, theo đó xác định một thụ thể hormone cụ thể là mục tiêu tiềm năng để điều trị.

Theo một bài báo đăng trên tạp chí Science, thụ thể MC5R hoạt động cùng với một hormone gọi là α-MSH, do tuyến yên sản xuất, để thúc đẩy sự phát triển của các khối u.

Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa học do các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc dẫn đầu đã tiến hành xem xét vai trò của trục dưới đồi và tuyến yên trong khả năng miễn dịch chống khối u. Họ đã kiểm tra mức độ của các hormone khác nhau ở những con chuột có khối u, phát hiện ra rằng chúng có mức độ α-MSH tăng lên đáng kể.

Theo bài báo, mức độ hormone tăng lên có thể dẫn đến sự phát triển của khối u trong cơ thể con người bằng cách thúc đẩy sự tích tụ tế bào tủy và ức chế miễn dịch thông qua thụ thể MC5R. Các nhà nghiên cứu xác định MC5R là một mục tiêu có thể phục vụ cho việc xây dựng liệu pháp miễn dịch, mang lại giải pháp nhằm làm gián đoạn hoạt động của hormone.

Theo trường đại học trên, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện rằng ở những bệnh nhân bị trầm cảm và căng thẳng trong thời gian dài, các khối u phát triển nhanh hơn, đáp ứng kém khi được điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Điều này chỉ ra rằng hệ thần kinh và các phản ứng căng thẳng là những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của khối u và điều hòa miễn dịch.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm