Ông Hà Khắc Sâm cho cá ăn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ ông Sâm luôn muốn một ngày nào đó làm giàu ngay tại quê hương. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông làm nghề xây dựng để kiếm sống nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2010, sau khi tham quan học tập nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại ở vùng Đông và Tây Bắc, ông quyết định vay vốn người thân để xây dựng một trang trại nuôi cá hồi trên đỉnh Pù Rinh, xã Trí Nang.
Để nuôi loài cá này ông đầu tư xây một ngôi nhà sàn nằm bên dốc núi Pù Rinh, xung quanh ngôi nhà là gần chục bể lớn 100 m3 xây bằng xi măng nối tiếp nhau theo kiểu ruộng bậc thang. Đây là nơi nằm giữa mênh mông núi rừng, nhiệt độ lạnh và có sườn núi độ dốc cao, nước chảy mạnh, rất thích hợp để loài cá hồi. Ý tưởng nuôi cá trên đỉnh núi của ông đã được các kĩ sư của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa nhận xét có đủ điều kiện phù hợp, có thể nuôi thành công cá hồi.
Khi bắt đầu phát triển mô hình nuôi cá Hồi, ông Sâm tìm nguồn dẫn nước suối, mở đường, kéo điện. Sau đó, ông nhập 6.000 con cá hồi giống về nuôi, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 3 bể, kéo điện thắp sáng, nhà trông cá và mua giống cá là hơn 2,5 tỷ đồng. Do cá hồi chỉ sống được ở nơi nước lạnh, sạch, lại dễ mắc bệnh nấm nên phải đảm bảo 100% nguồn thức ăn chất lượng, thức ăn của cá hồi phải mua từ các nước Pháp và Hà Lan về, mỗi ngày đêm phải cho cá ăn 4 lần với thời gian cách đều.
Trang trại nuôi cá Hồi của ông Hà Khắc Sâm lãi khoảng 700 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Ngoài ra, do cá hồi có nguồn gốc từ xứ lạnh nên để nuôi thành công ở một nước nhiệt đới như Việt Nam là điều không đơn giản, cả nhà ông Sâm phải thay nhau thức đêm canh chừng bể cá suốt thời gian dài. Sau 1 năm nuôi thử nghiệm, cá bắt đầu sinh trưởng tốt, gia đình ông bán thu lãi gần 200 triệu đồng. Thế nhưng, niềm vui vừa chạm ngõ thì cơn bão lịch sử năm 2012 ập đến, nước lũ từ trên núi đổ xuống, bùn đất tràn vào làm 2 tấn cá thương phẩm bị chết, tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Lúc này, ông nghĩ mình sạt nghiệp, nhưng được người thân động viên nên ông quyết tâm làm lại từ đầu.
Năm 2015, ông xây lại bể kiên cố, ngoài nuôi cá hồi ông còn nuôi thêm cá Tầm và cá Trắng châu Âu. Để đảm bảo môi trường nước sạch, mỗi ngày ông cho công nhân thau bể một lần, dùng hàng tấn xe muối để tắm phòng bệnh cho cá. Mỗi ngày ông cho cá ăn 4 lần, tắm muối và theo dõi nguồn nước, oxy cho sự phát triển của cá. Do có nguồn nước sạch, luôn ở nhiệt độ thích hợp và được đầu tư ô bể, cùng các thiết bị chuyên dùng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cá sinh trưởng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, sản phẩm của ông đã được nhiều người biết đến và hỏi mua.
Hiện trang trại của ông đã được mở rộng và có tới 9 bể nuôi hơn 2 vạn cá, bao gồm cá hồi, cá tầm và cá trắng châu Âu, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa. Hiện cứ 1 kg cá hồi ông bán 400.000 đồng, cá tầm 250.000 đồng/kg. Nếu như năm 2010, ông nuôi cá hồi, xuất bán được gần 5 tấn thì năm 2018 công ty đầu tư nuôi thêm cá trắng châu Âu cùng với cá tầm và cá hồi, xuất bán được hơn 8 tấn, thu lãi khoảng 700 triệu đồng/năm.
Theo ông Lương Văn Phúc, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Lang Chánh, hiện mô hình nuôi cá của ông Sâm rất hiệu quả, nuôi cá Hồi là nuôi cá nước lạnh, không phải chỗ nào cũng nuôi được, chỉ những nơi thấp, lạnh như đỉnh núi Pù Rinh mới thích hợp để nuôi. Hiện các sản phẩm cá khi xuất bán ra thị trường đều có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với sức khỏe và được người dân tin dùng.
Nguyễn Nam
TTXVN