Đồng bào người K’Ho, người Tày ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa có niềm vui mới khi điện lưới quốc gia được kéo về từng ngôi nhà, thắp sáng từng thôn bản. Những ngày đầu năm học 2020 -2021, cô trò tại điểm Trường Phúc Thọ II cũng đón nhận niềm vui mới khi có điện. Điện về đã tạo thuận lợi hơn cho người dân vươn tới cuộc sống ấm no, ổn định hơn.
Tháng 10, Tây Nguyên bước vào mùa mưa dầm dề, chúng tôi trở lại các bản làng vùng sâu bên dòng sông Đồng Nai. Bản làng nơi đây giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông. Đó là thôn Phúc Cát và thôn R’Hang Trụ thuộc xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà - những thôn cuối cùng của tỉnh Lâm Đồng được kéo điện lưới quốc gia.
Từ khi biết tin điện lưới quốc gia về với thôn Phúc Cát (xã Phúc Thọ), gia đình ông Hoàng Văn Dương ở thôn Phúc Cát đã chủ động mua sắm nhiều thiết bị sử dụng điện có giá trị về phục vụ sinh hoạt và sản xuất của gia đình. Ông Hoàng Văn Dương vui mừng cho biết: Sau hơn 30 năm vào vùng đất này lập nghiệp, gia đình ông phải sống trong cảnh thiếu thốn khó khăn do không có điện. Không có điện thì không thể đưa nước lên tưới cà phê ở những đồi cao, con cháu phải học trong đèn dầu. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước mà giờ đây gia đình đã mua máy bơm nước về tưới cây ở rẫy cao, máy xay gạo, mua tivi về xem tin tức thời sự. Dù đi nương, đi rẫy về muộn, gia đình ông không còn phải lo nhóm bếp củi nấu cơm, thắp đèn dầu chiếu sáng.
Điểm Trường Tiểu học Phúc Thọ II, thôn Phúc Cát, đi vào hoạt động được nhiều năm và hiện có khoảng 19 học sinh lớp 1 và lớp 2 theo học. Đây là số học sinh từ hai thôn Phúc Cát và R’Hang Trụ của xã Phúc Thọ. Mấy năm nay, việc dạy và học của thầy, trò tại điểm trường gặp nhiều khó khăn, thiếu thiết bị phục vụ dạy và học do không có điện. Những ngày trời nóng, oi bức mà không có quạt điện. Đặc biệt là cả cô và trò không có nước phục vụ cho vệ sinh. Từ trên cao nhìn xuống bản làng, nổi bật lên giữa màu xanh ngút ngàn các rẫy cà phê, nương dâu tằm là những ngôi nhà ngói mới của điểm Trường Phúc Thọ II, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Sởi, dạy ở điểm Trường Phúc Thọ II, cho biết: Học sinh của điểm trường này chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số nên sau khi nối điện lưới quốc gia, cả cô và học sinh rất phấn khởi, các em học bài tốt hơn, quang cảnh của trường lớp cũng tươi sáng, sạch sẽ hơn. Nhờ có điện, nhà trường đã bố trí thêm bóng điện và quạt cho các phòng học, đảm bảo ánh sáng và không khí mát mẻ cho lớp học.
Toàn xã Phúc Thọ có 16 thôn, bản. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã được đầu tư nhiều công trình như trạm y tế, trường học, đường giao thông. Tuy nhiên, đến năm 2019, xã vẫn còn hai thôn là thôn R'Hang Trụ và thôn Phúc Cát với 90% đồng bào người K’Ho, Tày sinh sống chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như trình độ dân trí của người dân nơi đây.
Ông Hoàng Văn Dương, Trưởng thôn Phúc Cát chia sẻ: So với 10 năm về trước, buôn làng đã thay đổi, khởi sắc rất nhiều. Ngoài sự quan tâm đầu tư của nhà nước về hệ thống điện, đường, giáo dục, hỗ trợ vốn vay, sự chăm chỉ, siêng năng của người dân cũng góp phần giúp nhiều gia đình thoát cảnh đói ăn, nghèo khổ. Giờ đây, người dân đã biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng dâu nuôi tằm, trồng xen cây mắc ca vào vườn cà phê…Thu nhập bình quân đầu người của thôn khoảng 35 triệu đồng/năm.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà cho biết: Từ khi có điện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là phục vụ tưới nước cho cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự đầu tư về điện, Nhà nước cũng quan tâm đầu tư về đường giao thông. Đến hết năm 2019, xã Phúc Thọ là một trong 14 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Điện lực tỉnh Lâm Đồng, Dự án “Cấp điện cho các thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” từ năm 2017 đến nay đã cấp cho 7 thôn cuối cùng (thôn được Nhà nước công nhận) gồm: Thôn 3, thôn 4, thôn Vĩnh Ninh (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên), tổng mức đầu tư trên 6,9 tỷ đồng; thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng; thôn R'Hang Trụ, thôn Phúc Cát (xã Phúc Thọ), thôn Phúc Thạch (xã Liên Hà), cùng huyện Lâm Hà, tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng.
Những con đường vào thôn Phúc Cát (xã Phúc Thọ) giờ đây được đang được bê tông hóa đẹp hơn trước nhờ những trụ điện vững chãi, đưa ánh sáng về buôn làng. Trên con đường dẫn vào các thôn khó khăn cũng dần xuất hiện những ngôi nhà mới xây bên rẫy cà phê xanh mướt như bừng lên sức sống mới. Điện về các buôn làng đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương khởi sắc, giúp trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn và cải thiện đời sống của người dân.
Đặng Tuấn