Lai ghép thành công hồng nhập ngoại với tầm xuân của Việt Nam

Lai ghép thành công hồng nhập ngoại với tầm xuân của Việt Nam
Anh Thỉnh chăm sóc vườn hồng lai tầm xuân. Ảnh: Minh Thu- TTXVN
Anh Thỉnh chăm sóc vườn hồng lai tầm xuân. Ảnh: Minh Thu- TTXVN

Sinh ra tại làng Lũng, làng hoa nổi tiếng của Hải Phòng, tình yêu cây cỏ đến với anh Lê Doãn Thỉnh rất tự nhiên. Anh Thỉnh cho biết: “Năm 6, 7 tuổi tôi đã theo mẹ đi chợ mua hạt giống, chiều chiều ra ruộng chăm sóc cây cho bà. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cánh đồng hoa, chợ hoa. Khi tôi trưởng thành, làng Lũng thay đổi nhanh chóng. Đất trồng hoa trở thành đất dự án. Đất ruộng vườn bị chuyển đổi nên tôi phải gấp rút đi tìm đất mới”. 

Anh Thỉnh chia sẻ, 20 năm trước anh mua mảnh đất mới và cải tạo lại đất cho màu mỡ vì lớp đất thịt trên bề mặt ruộng đã bị chủ cũ lấy làm gạch. Lúc đầu anh Thỉnh trồng giống hồng ngoại nhưng không thích ứng được với khí hậu, thổ nhưỡng, đến mùa mưa phùn gió bấc, nụ hồng bị héo dần, gục hết. Muốn trồng được hồng ngoại phải có nhà lưới, nhà kính nhưng vốn đầu tư eo hẹp nên anh Thịnh phải chọn phương án khác. 

Trồng hồng ngoại thất bại, anh thử nghiệm tiếp phương án lai ghép giống. Anh kể: “Giống hồng trong vườn chủ yếu vẫn là hồng nhập ngoại. Nhưng để cây khỏe, thích ứng với điều kiện khí hậu của miền Bắc, tôi đã lai ghép thử nghiệm gốc hồng với gốc tầm xuân. Thành công ngoài mong đợi. Gốc hồng rất khỏe, sinh trưởng tốt, thích ứng với điều kiện úng, hạn tốt hơn các loại hoa hồng khác. Muốn cây ghép có tuổi thọ bền, cần tỉ mẩn tỉa mắt ghép theo khối vuông. Mỗi ngày chăm chỉ ghép cũng chỉ làm được khoảng 300 gốc. Cả vườn có 13.000 gốc nên cứ tỉ mẩn làm ngày này qua ngày khác. Các nhà vườn khác dùng mũi dao khoét trực tiếp để ghép mắt, tuổi thọ của cây giống chỉ được từ 3- 5 năm. Còn tại vườn nhà tôi tuổi đời trung bình của cây ghép khoảng 10 năm.” 

Ngoài các yếu tố trên, việc chăm bón, trừ sâu bệnh cũng hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Bây giờ anh Thỉnh chỉ cần nhìn các gốc hồng là biết thời điểm cây nảy mầm, ra hoa và cho thu hoạch, biết pha chế các loại phân bón, thuốc trừ sâu với hàm lượng phù hợp. Mỗi bông hoa từ vườn nhà anh Thỉnh có giá bán từ 3.000 đồng -6.000 đồng tùy loại. Giá bán này cao hơn mức giá thông thường trên thị trường nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng do hoa bền, cắm hoa sẽ nở chứ không bị héo úa như hoa ướp lạnh. 

Khi đã làm chủ được kỹ thuật trồng hoa, nhân giống hoa, niềm vui lớn nhất của anh Thỉnh giờ đây là chuyển giao kỹ thuật cho các hộ khác. Theo anh Thỉnh, thu nhập từ trồng hoa hồng mỗi năm tại hộ nhà anh sau khi trừ chi phí sẽ đạt khoảng 100 triệu đồng. Đây là mức thu nhập lý tưởng cho các hộ dân sinh sống ở nông thôn. Theo anh Thỉnh, nhu cầu về hoa tươi của thị trường lúc nào cũng có, điều quan trọng nhất khi trồng hoa hồng là kiên trì. Anh Thỉnh mong muốn huyện Kiến Thụy nghiên cứu và nhân rộng mô hình trồng hoa hồng, động viên, hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế bằng nghề này theo hướng cho thuê đất trên 10 năm, giảm thuế đất khi bị mất mùa hoa.
 
Hiện nay, một số địa phương của Hải Phòng đang nỗ lực triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mới thay cho việc cấy lúa đơn thuần. Nhiều mô hình thành công sau những bước khởi đầu của các cá nhân đơn lẻ. Điển hình là mô hình trồng hoa lay ơn ở xã Đồng Thái, mô hình trồng hoa Hải Đường, hoa đào ở xã Đặng Cương của huyện An Dương. Hai xã này đã trở thành vùng hoa quy mô không chỉ của Hải Phòng mà còn nổi tiếng trong cả nước. Để có thành công này, vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Lãnh đạo các xã này đã dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại vùng sản xuất và chính họ là người tiên phong dẫn dắt phong trào trồng hoa giỏi phát triển kinh tế. Vì vậy, mô hình trồng hoa của anh Lê Doãn Thỉnh cần được lãnh đạo xã Thanh Sơn và huyện Kiến Thụy quan tâm, nghiên cứu và nhân rộng.

Minh Thu

Có thể bạn quan tâm