Lai Châu tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng

Lai Châu tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng

Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng, chống. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, UBND tỉnh Lai Châu vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Sở Y tế thực hiện nghiêm nội dung Công văn số 2189/BYT-DP ngày 28/4/2022 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022, trong đó có bệnh tay chân miệng; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ bệnh và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Sở Y tế cũng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là phòng việc lây nhiễm chéo với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch), tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng...

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng; tuyên truyền tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các cơ sở giáo dục thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Mặc dù tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay chỉ xảy ra rải rác ở một số trẻ. Tuy nhiên, ngành Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh tay chân miệng; các cha mẹ thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm