Lai Châu phòng chống xâm hại trẻ em ở vùng cao

Giáo dục “Kỹ năng sống” cho trẻ mầm non là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại. Ảnh : laichau.edu.vn
Giáo dục “Kỹ năng sống” cho trẻ mầm non là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại. Ảnh : laichau.edu.vn

Tình trạng xâm hại trẻ em đang là vấn đề nhức nhối và được toàn xã hội quan tâm. Cùng với cả nước, những năm qua tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa cho trẻ, góp phần giảm thiểu các vụ xâm hại trẻ em.

Lai Châu phòng chống xâm hại trẻ em ở vùng cao ảnh 1Giáo dục “Kỹ năng sống” cho trẻ mầm non là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại. Ảnh: laichau.edu.vn

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, với địa bàn rộng và có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí của người dân còn thấp. Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu đã và đang chủ động phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản, chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng tải các tin, bài, ảnh, phóng sự về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng các cụm pano và in hàng nghìn tờ poster, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật tại cộng đồng và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ tại cộng đồng…

Ngoài ra, Sở rà soát, thu thập thông tin về trẻ em và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến nay, việc cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm đạt gần 80%; thường xuyên giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, xâm hại cho trẻ; phổ biến cho cha mẹ và trẻ em về việc nhận biết rủi ro trên môi trường mạng, cung cấp các kiến thức sử dụng mạng internet an toàn cho trẻ em…

Theo ông Lê Văn Thăng, thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, người dân từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, các bậc cha mẹ còn mải mê đi làm kinh tế, chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con cái, nên các vụ xâm hại trẻ em vẫn xảy ra.

Theo báo cáo của Sở, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có hơn 146.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh có 67 trẻ em bị xâm hại, trong đó 3 trẻ bị bạo hành, 13 trẻ bị hiếp dâm và 24 trẻ bị mua bán, còn lại là trẻ bị các hình thức xâm hại khác. So với giai đoạn 2011 - 2015, số trẻ em bị hiếp dâm có xu hướng giảm, số trẻ bị bạo hành và mua bán tăng. Phần lớn các đối tượng xâm hại trẻ em là những người thân, người quen của các nạn nhân. Thực tế cho thấy, những vụ xâm hại trẻ em xảy ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tinh thần và sự phát triển của trẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ xâm hại, nhưng nguyên nhân đầu tiên vẫn là do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc, khiến các em dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lợi dụng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng chưa được thường xuyên, liên tục, dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu kiến thức để bảo vệ mình. Mặt khác, hiện nay trẻ em dùng điện thoại thông minh từ sớm, các văn hóa phẩm đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng internet đã ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển tâm sinh lý, dẫn đến sự lệch lạc về đạo đức, lối sống. Nhiều đối tượng lợi dụng làm quen các cháu qua facebook, zalo với mục đích xấu. Ngoài ra, các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, không cho trẻ học hết cấp 3, ép trẻ em lao động sớm ở một số dân tộc thiểu số… Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, trong đó vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, người thân đặc biệt quan trọng.

Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cùng với đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể, các đơn vị trường học và nhân dân trong việc bảo vệ trẻ em. Các gia đình nên dành nhiều thời gian quan tâm con cái, quản lý chặt chẽ con em mình trong việc sử dụng mạng xã hội; trang bị kiến thức cho trẻ để trẻ tự bảo vệ mình trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu…

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm