Ông Đặng Hoa NamTrao đổi với phóng viên báo Tin Tức (TTXVN), ông Đặng Hoa Nam cho biết: Thống kê mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
|
Số liệu này được tổng hợp từ ngành công an và tiếp nhận qua đường dây nóng, tư vấn của ngành LĐTBXH. Qua theo dõi cho thấy, gần đây các vụ việc có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em từ người thân, người quen biết. Đặc biệt, các vụ việc xử lý thường kéo dài, thậm chí có nguy cơ "chìm xuồng".
“Để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em,, quan trọng nhất là sự vào cuộc của lực lượng công an địa phương. Khi làm việc với Cục Cảnh sát hình sự về loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi luôn nhận được cam kết ưu tiên điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, các cấp tỉnh, quận, huyện, xã, phường cũng cần vào cuộc rốt ráo, tích cực hơn nữa. Để ngăn ngừa thì giải pháp tốt nhất là xử lý nghiêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em để răn đe. Trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi cũng cần quy định xử lý nghiêm minh hơn với loại tội phạm này.
Với loại tội phạm dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, cần có quy trình đặc biệt để xét xử sớm nhất có thể, nhất là khi Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017. Nếu cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất "bất cập", bởi nếu không xử lý nhanh thì có thể gây tổn thương hơn cho các em”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, dư luận xã hội hiện nay cần lên án mạnh mẽ về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Ở một số quốc gia khác, những kẻ tội phạm xâm hại trẻ em kể cả sau khi ra tù, trở về cộng đồng vẫn bị lên án, thâm chí còn không thể sống được ở địa phương. Còn Việt Nam thì ngược lại, nạn nhân lại chính là người không thể sống được ở địa phương đó, nhưng kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ.
"Các vụ việc dâm ô trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà báo chí, truyền thông đang phản ánh, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đều có công văn yêu cầu Sở LĐTBXH các địa phương phối hợp với cơ quan công an sớm xử lý sớm vụ việc. Đối với vụ án dâm ô trẻ em ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện cơ quan điều tra nói chưa đủ chứng cứ để khởi tố bị can, mà chỉ có thể khởi tố vụ án. Theo tôi, cần phải trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan điều tra nhiều tỉnh thành với nhau. Đây không phải là vụ án hiếp dâm, không phải giao cấu thì đòi hỏi những chứng cứ về mặt pháp y, y tế là rất khó. Những vụ thế này chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng và cơ quan điều tra cần phải có biện pháp để thu nhập chứng cứ. Vụ việc tương tự như thế này tại Lào Cai đã đưa ra tòa xử. Với vụ việc ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có thể làm tương tự”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, với vụ việc tại Hà Nội, chúng tôi cũng đã có công văn tới Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị sớm phối hợp với cơ quan công an để giải quyết sớm vụ việc. Hiện nay, với chức năng và nhiệm vụ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, khi vụ việc xảy ra, Cục hướng dẫn các địa phương phải hỗ trợ cho các nạn nhân. Không những bảo vệ về mặt thể chất, tâm lý mà còn phải bảo vệ cả nhân phẩm, danh dự cho các em nữa. Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyến cơ sở huy động tất cả dịch vụ có trên địa bàn kể cả phải phối hợp với trung ương, hoặc các địa phương khác hỗ trợ giúp các em hồi phục tốt nhất.
- Ngày 14/2/2017, một cháu bé lớp 1 tại một trường tiểu học ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã được gia đình cho rằng bị xâm hại tình dục. Theo lời cháu bé, cháu bị xâm hại tại trường. Khi gia đình đưa con đi khám thì Bệnh viện đã khẳng định cháu bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhà trường lại cho rằng “cháu té ngã”.
- Tháng 1/2017, chị Nguyễn T. L (Hoàng Mai) đã làm đơn tố giác Cao Mạnh H (SN 1983, quê Thái Bình, tạm trú tại quận Hoàng Mai) có hành vi xâm hại tình dục với con gái 8 tuổi nhiều lần. Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ thủ ác vẫn không bị xử lý. - Cuối tháng 6/2016, chị T.T.T (37 tuổi, sống tại một chung cư thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được con là cháu N. kể nhiều lần bị một người sống cùng chung cư đưa ra góc cầu thang xâm hại tình dục. |