Nhân dân khắc phục đoạn đường bị sạt lở tại xã Pa Vây Sử. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Theo thống kê của UBND huyện Phong Thổ, trong đợt mưa lũ này, tại tuyến đường từ xã Khổng Lào vào các xã biên giới có hàng trăm điểm sạt lở với khối lượng đất đá ước tính lên đến trên 100.000m3. Tại nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, người dân khó khăn mới đi bộ qua được.
Bà Chẻo San Mẩy, bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Việc đi lại trên tuyến đường này rất khó khăn. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước cho máy móc san gạt đất đá thông đường để người dân đi thuận tiện”.
Cảnh sạt lở mất hẳn một đoạn đường tại xã Dào San, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Cũng như bà Chẻo San Mẩy, ông Chẻo Sân Siểu, một người dân ở xã Vàng Ma Chải cho biết: “Nhiều năm rồi tôi mới thấy đường bị sạt nhiều thế này. Thanh niên đi lại còn được chứ người già và trẻ con thì khó lắm, đi qua nhiều chỗ vẫn thấy đất sạt xuống. Bà con cũng ý thức tự bảo nhau đi sạt gạt thông đường, nhưng chỉ làm được những đoạn nhỏ thôi".
Với các điểm sạt lở nhỏ, các xã huy động lực lượng tại chỗ dùng quốc, xẻng… để cào dọn vật cản, san sửa đường đi. Còn những điểm có khối lượng đất đá lớn, huyện cũng đã huy động hàng chục máy xúc và công nhân của các doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành san gạt liên tục cả ngày lẫn đêm, cố gắng thông đường trong thời gian sớm nhất phục vụ việc đi lại cho người dân các xã biên giới được thuận tiện.
Cảnh sạt lở đoạn đường tại xã Dào San, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Ông Trần Phú Cường, Chỉ huy trưởng Đội thi công thuộc Công ty TNHH Một thành viên Mạnh Toán, huyện Phong Thổ cho biết: Trong thời gian mưa lũ xảy ra bất thường vừa qua, đơn vị đã huy động tất cả lực lượng cũng như máy móc hiện có, thực hiện làm tăng giờ, tăng ca để đảm bảo việc thông đường trong thời gian nhanh nhất. “Tuy vậy, tình trạng sụt sạt cũng rất phức tạp, có một số đá to sạt chắn ngang đường hoặc mất hết cả đường, nên việc đảm bảo thông đường sẽ có trở ngại nhất định. Chúng tôi cũng quyết tâm cố gắng làm tăng giờ tăng ca để đảm bảo tiến độ, phấn đấu làm sao thông tuyến đường từ huyện vào các xã biên giới trong thời gian nhanh nhất, phục vụ việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa cho bà con được thuận tiện”, ông Trần Phú Cường khẳng định.
Theo ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu), trong đợt mưa lũ lần này, thiệt hại về giao thông đối với huyện Phong Thổ là rất lớn. Tuyến đường đi vào các xã biên giới có rất nhiều điểm sạt và khối lượng đất đá lớn, trong đó rất nhiều đoạn bị mất đường. Vì vậy việc khắc phục các tuyến đường giao thông này là rất khó khăn và tốn kém. Để đảm bảo thông tuyến và các xã không bị cô lập, huyện đã huy động tối đa máy móc thiết bị để tổ chức thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Cảnh sạt lở đoạn đường tại xã Dào San, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Do khối lượng đất đá quá lớn cộng với thời tiết vẫn diễn biến bất thường, nên việc thông đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tích trữ hàng hóa và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực bị cô lập tạm thời trong thời gian này, cũng được lãnh đạo và các cơ quan chức năng của huyện Phong Thổ quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Đồng thời huyện đã chỉ đạo các công ty thương nghiệp, các hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tích trữ hàng hóa và các nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong thời gian 2 ngày hoặc 1 tuần. “Đến thời điểm này lượng hàng hóa và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân vẫn được đảm bảo. Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng chức năng đi kiểm tra giá cả thị trường tại khu vực này, tránh tình trạng lợi dụng mưa lũ để tự ý nâng giá các mặt hàng. Nếu phát hiện các trường hợp tự ý nâng giá chúng tôi sẽ cho xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Trần Văn Quế khẳng định.
Công Tuyên