Kỹ thuật nuôi hàu thương phẩm

Kỹ thuật nuôi hàu thương phẩm
Nuôi trong đìa

Độ sâu của đìa nuôi hàu thương phẩm 1,2  - 1,5 m. Hàu giống có kích thước 3 - 4 cm, được nuôi trong rổ nhựa hình chữ nhật với kích thước (40 x 60 x 20) cm. Dùng lưới có kích thước mắt lưới 2 cm đậy bên trên rổ. Mật độ ương 200 con/rổ và các rổ được treo trên sợi dây. Hai đầu sợi dây là hai cọc xi măng. Khoảng cách giữa các rổ là 3 m. Diện tích đìa 800 - 1.000 m2.

Sau 3 - 5 ngày thì tiến hành vệ sinh rổ hàu một lần, đến khi rổ hàu sạch không còn bùn hay các vật bám vào. Trong quá trình vệ sinh thường xuyên kiểm tra và bắt cua hay cá con lọt vào lồng. Hàng ngày phải thay nước theo thủy triều lên xuống đảm bảo đầy đủ thức ăn và dòng chảy cho hàu sinh trưởng. Cứ 10 ngày, dùng máy xịt có tốc độ vừa phải xịt sạch dụng cụ ương hàu.

Sau 6 - 7 tháng, hàu đạt kích thước 80 - 90 mm/con (khoảng 10 - 12 con/kg) thì thu hoạch.

Phát triển mô hình nuôi hàu sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN
Phát triển mô hình nuôi hàu sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN

Nuôi hàu nổi

Để nuôi hàu nổi, yêu cầu độ sâu thủy vực > 4 m. Hàu giống được nuôi trong các lồng lưới tròn có 5 tầng với đường kính 0,5 m và chiều cao mỗi tầng 0,2 m. Các lồng lưới được treo vào một hệ thống dây nổi bởi các phao nhựa. Mỗi tầng lồng  chứa khoảng 40 con hàu giống có kích cỡ 3 - 3,5 cm. Các lồng lưới này cách nhau khoảng 2 m. Lưới bao xung quanh lồng có kích thước mắt lưới bằng 2 cm.

Sau khi xuống giống 8 - 10 ngày, tiến hành vệ sinh lồng hàu một lần.

Sau 7 - 9 tháng, hàu đạt kích thước thương phẩm tiến hành thu hoạch.

Nuôi hàu bằng lốp cao su

Nguyên liệu làm vật bám cho hàu là các giá thể bằng lốp ô tô, xe máy, xe đạp đã qua sử dụng, cho xuống các vùng ao đầm tự nhiên, khu vực đầm phá nơi có dòng nước thủy triều kém để thu giống tự nhiên và sử dụng nó làm giá thể cho hàu nuôi lớn đến lúc đạt kích cỡ hàu thương phẩm.

Phân loại hàu sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Phân loại hàu sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Nuôi hàu bằng giàn

Nguyên vật liệu làm giàn là các cọc hình trụ đúc xi măng với chiều dài khoảng 1,2 - 1,8 m, chiều rộng 0,1 m. Trọng tâm của mỗi trụ có một thanh sắt và trên đầu mỗi trụ có lỗ để xâu dây treo vào giàn và các giàn treo được cấu tạo bởi các thanh gỗ cứng đóng thành giàn hình chữ nhật hay hình vuông với chiều dài mỗi giàn trung bình 6,5 - 7,5 m, chiều cao giàn khoảng 5 - 6 m, chôn sâu 1 - 2 m. Mỗi giàn được đặt cách mặt nước 0,5 cm lúc triều xuống. Lồng nhỏ treo 32 - 40 trụ xi măng, lồng lớn có thể treo khoảng 200 trụ. Sản lượng nuôi khoảng 2 - 6 tấn hàu nguyên con/giàn.

Nuôi hàu trong các lồng treo trên giàn

Cấu tạo giàn nuôi tương tự như giàn nuôi trên các cọc đúc xi măng. Hàu giống thu từ tự nhiên cho vào các lồng lưới có đường kính miệng lồng và đường kính đáy 0,4 - 0,5 m, chiều dài mỗi lồng khoảng 0,4 m, kích cỡ mắt lưới là 2 cm. Mỗi một lồng nuôi thả mật độ hàu giống trung bình khoảng 5 kg hàu, kích cỡ giống khoảng 3 - 4 cm. Sau thời gian nuôi khoảng 5 tháng đạt năng suất trung bình 15 kg hàu thương phẩm/lồng, tiến hành thu hoạch.
Theo thuysanvietnam.com.vn

Có thể bạn quan tâm