Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2015: Đề thi môn Ngữ Văn bám sát chương trình và mang hơi thở cuộc sống

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2015: Đề thi môn Ngữ Văn bám sát chương trình và mang hơi thở cuộc sống

* Đề thi vừa sức thí sinh 

Tại cụm thi Thành phố Hồ Chí Minh, ra khỏi phòng thi khá sớm so với thời gian quy định làm bài, thí sinh Nguyễn Minh Tiến (ngụ tại Long An) cho biết đề thi khá dễ, tương đối vừa sức với học sinh. Thí sinh Nguyễn Minh Tiến tự tin chia sẻ: Trong đề thi năm nay, thích nhất là câu hỏi về tình yêu biển đảo, vì biển đảo là vấn đề thời sự, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. 

Thí sinh Đỗ Hoàng Thảo Nguyên, THPT Gia Định cho biết, đề thi không thách đố học sinh, các câu hỏi đều nằm trong nội dung đã được học ở phổ thông. Trong đó, 8 câu ở phần đọc hiểu dễ để thí sinh đạt được tốt nghiệp phổ thông. 

Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại Cụm thi số 6 trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Quý Trung- TTXVN
Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại Cụm thi số 6 trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Quý Trung- TTXVN

Tại cụm thi Đại học Hàng Hải Việt Nam và Đại học Hải Phòng, theo nhận xét chung của các thí sinh, đề thi năm nay có tính gợi mở cao, cần sử dụng cả kiến thức trong nhà trường và kiến thức từ việc tích lũy vốn sống. 

Em Nguyễn Thị Vui, học sinh huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết, cả dạng bài trong phần đọc hiểu và dạng bài trong phần làm văn em đều đã được học ở trường. Tuy nhiên, ở phần đọc hiểu (3 điểm) gồm cả một đoạn thơ trích từ “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, trả lời 4 câu hỏi nhỏ và đọc một trích đoạn văn trả lời thêm 4 câu hỏi nhỏ nữa là quá dài, thí sinh phải nhớ nhiều kiến thức mới có thể hoàn thành phần thi này. 

Cũng như em Vui, nhiều thí sinh cho rằng, trong phần đọc hiểu, đề thi nên tập trung vào một dạng văn cụ thể hoặc là thơ, hoặc là văn xuôi để các em tập trung làm bài tốt hơn. Về phần làm văn, rất nhiều thí sinh hứng thú với câu 3 điểm: “Có ý kiến cho rằng, việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức khác. Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên”. Thí sinh cho biết, dạng bài này được thày, cô giảng dạy trên lớp về phương pháp làm, song để làm tốt, các em cần có trải nghiệm mới đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục. 

Sau 180 phút thực hiện bài thi môn Ngữ văn, đa số các thí sinh ở Cụm thi số 20 – Đại học Thái Nguyên đều có chung nhận định rằng đề thi không quá khó, quá dài đối với trình độ học của thí sinh. 

Thí sinh Bùi Ngọc Sơn đến từ Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cho biết: “Cấu trúc đề năm nay tương đối dễ, câu hỏi nghị luận xã hội so với đề thi thử cũng không khó lắm và em làm tốt nhất phần thi đọc hiểu, đó là trích đoạn bài thơ “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về người chiến sĩ bảo vệ biển đảo quê hương. Nội dung này được xã hội hiện nay đề cập nhiều nên em nghĩ sẽ ghi điểm cao ở câu hỏi này”. 

Thi sính Nguyễn Thị Phương Anh ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lại cảm thấy thích thú với câu hỏi cuối về phần nghị luận văn học, đó là trích đoạn tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu nói về nhân vật người đàn bà hàng chài. Ngoài ra, câu hỏi nghị luận xã hội về rèn luyện kỹ năng sống cũng không quá khó, nếu áp dụng kiến thức trên lớp sẽ làm được khoảng 70%. 

Tại cụm thi liên tỉnh Tiền Giang-Bến Tre, đa số các thí sinh sau khi kết thúc phần thi môn Ngữ văn đều có tâm trạng phấn khởi vì làm được bài thi. 

Em Nguyễn Thị Kim Huyền, ấp 6, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chia sẻ, đề thi môn Ngữ văn không khó lắm, vừa sức đối với các thí sinh, kể cả những thí sinh có học lực trung bình. Bản thân em làm được hết bài thi, không bỏ câu hỏi nào. 

Cùng chung tâm trạng, em Châu Hải My, ở tại thị trấn Tân Hòa, Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay tương đối dễ, có phân loại học sinh, nếu chịu khó ôn tập kỹ trước kỳ thi thì sẽ hoàn thành

tốt bài thi. 

Cùng chung nhận định đề thi Ngữ văn đã bám sát chương trình, có sự phân hóa rõ ràng, vừa sức và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh ở cụm thi trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) ra khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái. 

Thí sinh Trần Phi Long, Trường THPT Tân Trào, Tuyên Quang, cho biết, đề thi năm nay không khó, có sự phân hóa rõ ràng, học sinh trung bình cũng có thể làm được 5 điểm. Nếu học sinh ôn thi khối C có thể làm được 7-8 điểm. 

Thí sinh sinh Thào Trận Pao, Trường THPT Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ, đề thi có kiến thức rất sát với chương trình học, vừa sức, có nhiều câu hỏi dành cho thí sinh xét tuyển vào đại học và nhiều câu hỏi dành cho thí sinh thi tốt nghiệp dễ ăn điểm và không bị điểm liệt. 

Tại Hội đồng thi trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội), thí sinh vui vẻ, phấn khởi vì làm được bài, đề thi được đánh giá là hay, bám sát chương trình và mang hơi thở cuộc sống. 

Em Nguyễn Thanh Huyền, Trường THPT Quảng Ninh đăng ký thi tại Hội đồng thi trường Đại học Thủy lợi ra khỏi phòng thi sớm, vui vẻ chia sẻ, hôm nay em làm bài rất tốt, đề thi văn năm nay rất hay, thí sinh thể hiện được kỹ năng sống của mình trong bài tự luận nhưng vẫn đảm bảo những kiến thức cơ bản đã được học. 

Thí sinh Trần Hà Trang - thí sinh tự do đến từ tỉnh Hà Nam cho biết, đề thi năm nay hay và mở nên thí sinh rất dễ viết, thể hiện quan điểm sống của mình. Theo em muốn làm được bài thi không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa mà còn đòi hỏi phải có sự quan sát, để ý đến các vấn đề thời sự, sự việc sự kiện xảy ra hàng ngày xung quanh mình nữa. 

* Đề thi sát với chương trình, đánh giá được khả năng học sinh 

Đa số giáo viên đều đánh giá đề thi Ngữ văn bám sát chương trình học phổ thông, vừa sức và có tính phân loại, khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh, đáp ứng được yêu cầu của một đề thi nhằm hai mục đích: Công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. 

Nhận định về đề thi môn Văn, Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh, Giáo viên Ngữ văn trường THPT Nhân Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đề thi Văn khá nhẹ nhàng, tránh hoàn toàn hiện tượng học tủ, học vẹt. Bố cục đề thi văn hợp lý, chặt chẽ, đánh giá được khả năng và phân loại học sinh. Nếu không nắm chắc tư tưởng, thông điệp cốt lõi của tác phẩm thì không bàn luận được cách nhìn con người và cuộc sống của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong câu hỏi 2 của phần nghị luận văn học. Cũng trong câu hỏi này, nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu cũng đã được đề cập trong đề thi thử của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nên các em học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có được ưu thế hơn. Theo dự đoán, với bài thi năm nay, các thí sinh học lực từ trung bình khá có thể đạt điểm từ 7 trở lên. Tuy nhiên, đề thi quá dài có thể gây hoang mang cho thí sinh ngay từ khi nhận đề thi. 

Trao đổi với phóng viên ngay sau khi môn Văn kết thúc, cô giáo Bùi Thị Nga, giáo viên môn ngữ văn trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhận xét: đề thi văn năm nay rất sát với chương trình phù hợp với sức học của các em cả về dung lượng và nội dung kiến thức. Các câu hỏi trong phần đọc hiểu và làm văn đều là những kiến thức cơ bản, học sinh đã được cung cấp, ôn luyện khá kĩ trong trường phổ thông. Cấu trúc của đề thi phần nghị luận xã hội đã đặt ra vấn đề mà rất nhiều em quan tâm, mang ý nghĩa thiết thực cho học sinh trong cuộc sống. Đặc biệt, đề thi năm nay phần tự luận đã khích lệ sự sáng tạo, phát huy khả năng cảm thụ riêng của các em về nhân cách sống. Đề thi năm nay được đánh giá là hay, vừa sức với các em, nhưng vẫn có phần để phân loại được lực học của học sinh. 

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Đỗ Thị Lê, giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang cho biết: Đề thi môn Ngữ văn có yêu cầu rất rõ ràng, mạch lạc, mang tính nhân văn sâu sắc cũng như kiểm tra được kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh, đồng thời mức độ phân hóa học sinh cũng khá rõ. Theo cô Lê, cái hay của đề thi là mang tính thời sự, rất gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là giới trẻ. Cụ thể như vấn đề tầm quan trọng của rèn luyện kỹ năng sống cũng như cách nhìn về bạo lực và sự vô cảm trong cuộc sống. 

Ngoài các câu đọc hiểu, đề thi còn có các câu hỏi mang tính phân hoá học sinh. Ví dụ như cho học sinh trình bày về năng lực cảm nhận của mình về hình ảnh người lính biển, hoặc suy nghĩ về một vấn đề đặt ra, cách nhìn đối với thực tế cuộc sống. 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Dung, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Tuyên Quang, đề thi môn Ngữ văn năm nay bám sát chương trình học phổ thông và có độ phân hóa rõ ràng giữa học sinh thi tốt nghiệp và học sinh thi đại học. Đề thi đã đặt ra những vấn đề được xã hội quan tâm như: vấn đề chủ quyền biển đảo, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, vấn đề bạo lực và bệnh vô cảm hiện nay. Các thí sinh cần có kiến thức được học trong nhà trường và có tư duy tổng hợp, biết vận dụng kiến thức xã hội để giải quyết đề thi. 

Ngoài ý kiến nhận xét của các giáo viên, thí sinh, nhiều phụ huynh cũng đồng tình với việc trong những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn thường được lồng ghép với các vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự xã hội, những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, điều này đòi hỏi tính chủ động và thể hiện được những chính kiến của thí sinh trước một vấn đề…/. 

 

Có thể bạn quan tâm