Các đại biểu tham quan, nghiên cứu tại một hố đào di chỉ khảo cổ Ảnh: Hoài Nam – TTXVN. |
Hội thảo tiếp tục mở ra những nhận thức mới về khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ, về văn hóa - lịch sử của địa phương cũng như toàn khu vực, công bố giá trị 23 địa điểm khảo cổ được phát hiện, mang lại cho Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung một dáng dấp, vị thế mới về lịch sử, văn hóa. Những giá trị này sẽ là cơ sở vững chắc cho việc hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, mang lại nhiều tiềm năng về phát triển du lịch văn hóa và nghiên cứu lịch sử.
Giá trị kỹ nghệ Đá cũ An Khê
Tháng 6/2014, cán bộ Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát hiện 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Đến cuối năm 2014, các di tích được thẩm định và đưa vào chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga.
Trong các mùa khai quật, đoàn tiến hành khảo sát một số di tích đã biết trước đây như Rộc Hương, Rộc Giáo, Rộc Lớn, Rộc Nếp (xã Cửu An, thị xã An Khê). Ngoài những công cụ đá, đến nay đã phát hiện 4 rìu tay ở di tích Rộc Giáo, Rộc Lớn, Rộc Tưng và Gò Đá. Đáng chú ý là đã phát hiện được 14 di tích Đá cũ nằm xung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê. Qua 5 năm nghiên cứu, khai quật tại bốn hố đào, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hơn 1.000 hiện vật đá và hơn 600 mảnh thiên thạch.
Có hai mẫu niên đại tuyệt đối bằng tectite ở hai địa điểm Đá cũ vùng An Khê đã được Phòng thí nghiệm đồng vị địa hóa và niên đại địa chất IGEM RAN, Viện địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Nga phân tích cuối năm 2017, bằng phương pháp K/Ar cho niên đại ở di tích Gò Đá (phường An Bình) là 806.000 ± 22.000 năm và ở Rộc Tưng 1 là 782.000 ± 20.000 năm cách ngày nay.
Một số hiện vật được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Tại Hội thảo, các học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến đánh giá về giá trị của các hiện vật và thời kỳ Đá cũ được phát hiện tại An Khê.
Tiến sỹ Alexander Kandyba, Viện Khảo cổ – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: Sau 5 năm từ thời điểm tiến hành khai quật ở An Khê, các nhà khoa học Việt – Nga đã phát hiện ra một hệ thống di tích khảo cổ có cùng tính chất, đó là những địa tầng ổn định, nguyên vẹn, trong đó chứa các công cụ lao động phản ánh thời kỳ xa xưa nhất của nhân loại - thời kỳ sơ kỳ Đá cũ. Trong đó những mảnh thiên thạch nằm cùng với các công cụ được phân tích niên đại 800.000 năm cách ngày nay. Đây là một trong những hệ thống di tích cực kỳ quan trọng đối với lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
“Hiện nay, chúng ta biết trên thế giới có rất nhiều địa điểm giống với địa điểm sơ kỳ đá cũ ở An Khê, trong đó đặc biệt nhất là địa điểm ở Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) – một trong những địa điểm đã phát hiện ra một hệ thống các di tích, với niên đại tương tự như ở An Khê. Đặc biệt, ở đây có một tổ hợp công cụ lao động giống cả về chất liệu, kỹ thuật và hình dáng. Đây là một địa điểm mang một dấu ấn văn hóa rất đặc biệt giữa vùng Đông Nam Á và Nam Á ở khu vực châu Á”, Tiến sỹ Alexander Kandyba phân tích.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, với các công cụ đá có niên đại lên đến 800.000 năm, việc phát hiện các di chỉ khảo cổ tại An Khê mở ra một hướng đi mới về thời điểm bắt đầu của lịch sử Việt Nam; đưa Việt Nam vào bản đồ sơ kỳ đá cũ, cùng song hành với một loạt các nước đã phát hiện các hiện vật có cùng kỹ nghệ, niên đại và chất liệu như Trung Quốc. Điều đặc biệt là trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học không chỉ biết được địa điểm mà con người cư trú mà còn phát hiện cả những nơi con người chuyên chế tác công cụ. Đồng thời, từ các công cụ đó để di chuyển cho các khu vực xung quanh, tạo nên một hệ thống các di tích ở An Khê. Đây chính là con đường mở ra cho chúng ta xây dựng một khu trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người.
Các đại biểu tham quan, nghiên cứu tại một hố đào di chỉ khảo cổ Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
“Những tư liệu ở đây không chỉ cho chúng ta biết về giai đoạn xa xưa nhất của lịch sử Việt Nam mà góp phần nghiên cứu toàn bộ sự phát triển loài người ở giai đoạn đầu tiên, sự chuyển biến từ người đứng thẳng (Homo erectus) sang người hiện đại (Homo sapiens)” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử nhấn mạnh.
Bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ An Khê
Những nghiên cứu, phát hiện khảo cổ học mới đây ở An Khê mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu lâu dài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ tiền sử ở đây là hết sức cần thiết, góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên cũng như vùng đất An Khê.
Theo Bí thư Thị ủy An Khê (Gia Lai) Nguyễn Thị Thanh Lịch, các dấu tích văn hóa kỹ nghệ An Khê được bảo lưu trong địa tầng dày trung bình 25 - 40 cm, nguyên vẹn, cấu tạo từ đá granite phong hóa tại chỗ nên cần có phương án bảo vệ tính nguyên vẹn của di tích do tầng văn hóa mỏng, nằm không sâu dưới mặt đất, rất dễ bị xâm hại bởi các hoạt động canh tác hiện nay.
Tổ hợp di vật, công cụ đá và các mảnh thiên thạch tìm được trong các di tích là nguồn tư liệu quan trọng để nhận thức giá trị di sản kỹ nghệ Đá cũ An Khê. Kỹ nghệ An Khê có một số đặc thù riêng như được làm từ đá cuội sông suối, kích thước lớn, ghè đẽo thô sơ, ít được tu chỉnh. Trong đó, đặc trưng tiêu biểu nhất là phức hợp: ghè hai mặt/rìu tay (bifaces/ handaxe), mũi nhọn/mũi nhọn tam diện (pick/ triangle shaped cross-section pick) và công cụ chặt (chopper/choping – tool). Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Đá cũ An Khê cũng cần tính đến tính đặc thù của tổ hợp di vật trong kỹ nghệ An Khê ở Việt Nam.
Bí thư Thị ủy An Khê cũng cho rằng, nhận thức về những giá trị lịch sử văn hóa của hệ thống di tích Đá cũ An Khê có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng định hướng bảo tồn và phát huy di sản, bảo vệ các bằng chứng về lịch sử hình thành và phát triển văn hóa đầu tiên của cư dân trên lãnh thổ Việt Nam. Song hành cùng với các nhà khoa học, địa phương đã có ý thức và có kế hoạch giữ gìn, phát huy những giá trị khảo cổ này. Theo đó, thị xã An Khê đã thảo luận với các chuyên gia để chọn ra những điểm đẹp nhất trong bảo tồn, mong muốn xây dựng một bảo tàng ngoài trời, minh chứng rõ nhất các kết quả khai quật, thu hút các nhà nghiên cứu quan tâm đến giá trị khảo cổ đến cùng nghiên cứu.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Thị xã cũng kiến nghị, đề xuất với tỉnh Gia Lai quy hoạch lại vùng đất này để có kế hoạch bảo vệ lâu dài. Tầng văn hóa của chúng ta còn nguyên vẹn, cần sớm có kế hoạch lâu dài trong việc bảo tồn. Đồng thời tại bảo tàng này, chúng tôi có kế hoạch thiết kế trưng bày mô tả một cách khái quát nhất về những đồ đá được trưng bày tại đây với ba mục tiêu khoa học, đại chúng và hấp dẫn để thu hút du khách đến nghiên cứu, làm tiền đề để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Viện Khảo cổ học sẽ tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, các học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới, tiến tới xác định giá trị thực sự của An Khê, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho di tích này. Đồng thời mở ra những nghiên cứu mới, những nghiên cứu chuyên sâu về An Khê.
Về định hướng tiếp tục nghiên cứu các di chỉ khảo cổ tại An Khê, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử cho rằng, tại khu vực này đã phát hiện những di chỉ cổ xưa nhất của nền văn minh nhân loại. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học sẽ tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm các di chỉ, không chỉ phục vụ cho việc khẳng định giá trị thời kỳ Đá cũ mà còn nghiên cứu sâu về các giai đoạn trước và sau đó.
“Trách nhiệm của chúng ta là phải bảo vệ, giữ gìn để phát huy nó. Để làm được điều đó, chúng ta phải có một cơ sở khoa học, khẳng định giá trị của Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á, mở ra một hướng mới cho vấn đề bảo tồn, phát huy, đưa toàn bộ các di sản văn hóa của tổ tiên cách đây gần một triệu năm đến với tất cả các công chúng. Trong đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm việc bảo tồn và phát huy giá trị này, tiếp tục nghiên cứu, mở cửa mời các du khách, chuyên gia. Trước mắt, chúng ta có thể sử dụng như là một cụm di tích văn hóa rất đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, đặc biệt là miền Đông của Gia Lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử khẳng định.
Nguyễn Hoài Nam