Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 22/5, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh đó, Quốc hội nghe và cho ý kiến các Báo cáo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đại tướng Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước
Sáng 22/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã bầu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn.
Thúc đẩy các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cũng trong sáng 22/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, có 12 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với năm 2022. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với những năm trước.
Tuy nhiên, có 4 chỉ tiêu còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn.
Trong sáng 22/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình về báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, với sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, kết quả giải ngân của Chương trình đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua.
So với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, về tổng thể kết quả giải ngân của Chương trình chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp.
Thúc đẩy đầu tư xây dựng đường cao tốc
Sáng 22/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo Quy hoạch, mạng lưới đường cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.001 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.681 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025.
Đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch khác có liên quan, kế hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương.
Hình thành tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản... từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị đã thông qua.
Cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Liên quan đến dự án luật này, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là quy định về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở, căn cứ của quy định này.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác. Cũng tại hội trường, các đại biểu cho ý kiến về các nội dung của dự án luật như: Quy định việc đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch; quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nội dung và trách nhiệm giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; về rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất, đúng phạm vi điều chỉnh của Luật...
PV