Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, từ ngày 20 đến ngày 27/8, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hai ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc và một ổ dịch tả lợn châu Phi, gây bệnh cho gần 200 con gia súc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Kon Tum đang tập trung các giải pháp nhằm khoanh vùng, cách ly và xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan rộng.
Đối với dịch tả lợn châu Phi, trong tuần, dịch đã gây bệnh cho 103 con lợn của 5 hộ chăn nuôi thuộc hai thôn 6, 7, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng dịch, tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh với tổng trọng lượng gần 9.000 kg.
Bà Nguyễn Thị Trinh, thôn 7, xã Đăk La cho biết, gia đình bà đã chăn nuôi lợn từ 20 năm nay, đây cũng chính là nguồn kinh tế chính của gia đình. Đầu năm 2020, bà nhập giống từ thành phố Kon Tum về nuôi với số lượng là 54 con. Trong quá trình chăm sóc, bà luôn ý thức về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nên đảm bảo nghiêm ngặt về mặt vệ sinh chuồng trại, thức ăn, tiêm phòng đầy đủ. Thế nhưng, đàn lợn của bà vẫn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với 29 con bị tiêu hủy, thiệt hại trên 150 triệu đồng.
"Mấy tháng nay tôi không đi chợ, ở nhà có gì ăn nấy, không tiếp xúc nhiều với người ngoài, quy trình chăm sóc cũng rất kỹ lưỡng nên tôi không biết bệnh lây từ nguồn nào. Đợt dịch trước, mấy nhà xung quanh bị dịch nhưng nhà tôi không sao cả, nên giờ cũng rất lo lắng. Số lợn còn lại tôi cũng đã tiến hành cách ly rồi, nhưng không biết có giữ được không", bà Trinh chia sẻ.
Theo ông Đỗ Học, Trưởng Ban thú y xã Đăk La, đây là địa phương có tổng đàn lợn lớn, chiếm 2/3 số đàn lợn của huyện Đăk Hà. Sau khi kết thúc đợt dịch cuối năm 2019, đầu năm 2020, xã đã thực hiện chủ trương tái đàn lợn của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do giá lợn sau dịch tăng cao, nên một số hộ dân đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Từ đó, nhập các giống lợn không đảm bảo cũng như công tác vệ sinh chuồng trại chưa được chặt chẽ, dẫn đến việc dịch bệnh xuất hiện và lây lan.
"Có thể khẳng định hiện nay, đa số hộ dân trên địa bàn xã chăn nuôi không đảm bảo chuồng trại an toàn sinh học, bởi vốn đầu tư quá lớn. Nếu xây dựng chuồng trại trên diện tích khoảng 1.000 m2 với theo quy trình thông thường, có thể chỉ tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng, nhưng nếu xây dựng chuồng trại và chăn nuôi theo quy trình sinh học và khép kín thì phải đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, rất khó để bà con có thể làm theo được. Mà không thể làm theo thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn", ông Đỗ Học phân tích.
Đối với dịch lở mồm long móng, trong tuần, dịch đã gây bệnh cho gần 80 con trâu, bò của người dân tại hai xã Ngọc Wang và Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ông Đinh Thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho biết, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ ngày 17/8 tại một hộ dân, với 5 con trâu, bò bị nhiễm. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan nhanh và đến nay, xã đã có 60 con trâu, bò bị nhiễm bệnh.
"Trước đây, xã vẫn xuất hiện bệnh lở mồm long móng nhưng chỉ ở trên đàn lợn, còn trên trâu bò thì đây là lần đầu tiên bị. Khó khăn lớn nhất là do thời gian ủ bệnh quá lâu, trong khi tập quán chăn thả gia súc của bà con thường xuyên diễn ra nên khả năng lây lan bệnh rất cao. Đến nay, chúng tôi đã khoanh vùng, yêu cầu bà con không chăn thả gia súc và thực hiện nghiêm việc rắc vôi, phun thuốc khử trùng cũng như tiêm thuốc cho gia súc bị bệnh để tránh dịch bệnh lây lan", ông Đinh Thư nói.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có gần 115.000 con lợn và trên 100.000 con trâu, bò. Sau khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn được khống chế vào khoảng tháng 3/2020, công tác tái đàn lợn của tỉnh Kon Tum vẫn gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ chăn nuôi vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, gia cố chuồng trại nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do giá lợn tăng cao, một số hộ dân vẫn tái đàn dù chưa đảm bảo an toàn sinh học theo khuyến cáo.
Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, ngoài số gia súc bị bệnh và bị tiêu hủy, số gia súc còn lại vẫn khỏe mạnh, chưa có vấn đề gì. Hiện, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đang tích cực chỉ đạo cho các cấp thú y cơ sở, các ban ngành của các xã có dịch tập trung công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Tuy nhiên, do hiện nay Kon Tum đang trong giai đoạn mùa mưa, nên chỉ có thể tổ chức phun thuốc trong khu vực chuồng trại, khu vực xung quanh tiến hành rắc vôi, cách ly hoàn toàn với các khu vực khác để tranh dịch bệnh lây lan. Đồng thời, thắt chặt công tác mua bán, vận chuyển ra vào khu vực có dịch cũng như kiểm soát chặt công tác giết mổ gia súc.
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi và thú y sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi để người chăn nuôi nắm được quy trình chăn nuôi sinh học. Nếu không quyết liệt trong vấn đề hướng dẫn người dân tái đàn theo biện pháp an toàn sinh học thì dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng phát và lây lan. Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cũng khuyến cáo bà con nào chưa đảm bảo được an toàn sinh học thì không nên tái đàn trong thời gian này, cần dừng một thời gian để vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt vi khuẩn, virus thì tái đàn mới được ổn định", ông Đoàn Thanh Mai khuyến cáo.