Ngày 14/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh có 9 căn nhà bị ảnh hưởng, gần 400 ha lúa nước, hoa màu các loại bị thiệt hại do bão số 5 gây ra. Ngoài ra, bão số 5 cũng khiến nhiều công trình giao thông trên địa bàn bị hư hỏng. Ngành chức năng đang huy động nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định đời sống.
Cụ thể, huyện Ngọc Hồi có hơn 200 ha lúa, cây trồng các loại bị thiệt hại, cao nhất toàn tỉnh. Huyện Kon Rẫy có khoảng 6 ha lúa vụ mùa bị vùi lấp. Huyện Đăk Hà có hơn 130 ha lúa, hoa màu các loại bị ngập úng. Các huyện Đăk Tô, Sa Thầy có hơn 30 ha lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp bị ngập nước.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo, người dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu, lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với diện tích lúa bị đổ ngã do bão lũ, bà con cần khẩn trương dựng lúa lên, cột thành chùm tránh hạt lúa nảy mầm trên bông, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch khi lúa đã chín.
Ngoài ra, Chi cục cũng phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời trước những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Trường hợp bị thiệt hại do mưa bão, Chi cục rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại để khôi phục, phát triển sản xuất.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 3254/UBND-NNTN ngày 13/9 về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại do bão số 5 gây ra; đồng thời, huy động lực lượng, nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống của người dân... Chính quyền các địa phương cần khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là những đoạn đường qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết, khu vực nguy hiểm, dễ sạt lở đất. Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; chủ động chỉ đạo, triển khai biện pháp, kế hoạch, phương án đảm bảo phòng, chống, ứng phó với các hình thái thời tiết cực đoan (nếu có) trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Hiện nay, Quốc lộ 40B bị sạt lở taluy dương tại Km196+970 đã khắc phục xong, đường Tỉnh lộ 672 tại Km54+900 đang tiến hành thông cống nhưng nước dâng cao nên không thể lưu thông. Đường Tỉnh lộ 678, đoạn qua huyện Tu Mơ Rông nước dâng cao không thể lưu thông, chính quyền địa phương đã rào chắn để cảnh báo cho người dân. Đối với các tuyến Tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã, liên thôn khác bị hư hỏng, ngành chức năng đang huy động phương tiện, nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đề nghị chủ đập, hồ chức vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Từ đó, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng “lũ chồng lũ”, gây ảnh hưởng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân; đồng thời, tổng hợp tình hình thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.
Khoa Chương