Kon Tum tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Mô hình nuôi heo đen theo hướng chuồng trại của anh A Vương ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) giúp gia đình anh thu về khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN
Mô hình nuôi heo đen theo hướng chuồng trại của anh A Vương ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) giúp gia đình anh thu về khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định 654/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, tỉnh có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng với 4,19%.

Kon Tum tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ảnh 1Mô hình nuôi heo đen theo hướng chuồng trại của anh A Vương ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) giúp gia đình anh thu về khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Việc có số hộ thoát nghèo cao trong năm 2023 đánh dấu nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Tây Nguyên, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong hai năm 2022, 2023, tỉnh liên tiếp có số lượng hộ thoát nghèo trên 6.000 hộ. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là cơ sở để Kon Tum thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, để có được các kết quả giảm nghèo cao, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất là ý thức vươn lên của người dân đã cải thiện rõ rệt. Người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã biết phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, Sở đã có văn bản phối hợp với các ngành, đơn vị chủ quản để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn của các chương trình như Dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, hay Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh hỗ trợ các hộ dân mới thoát nghèo cây, con giống để tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình, giúp các hộ này thoát nghèo bền vững, không để xảy ra tình trạng tái nghèo. Trong quá trình hỗ trợ người dân từ các nguồn vốn này, Sở chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các mô hình sinh kế đúng với mục tiêu của các chương trình; xử lý, kiểm điểm nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức cố ý làm trái quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động thuộc các hộ mới thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 39 phiên giao dịch việc làm với gần 2.000 người tham gia; trong đó, có nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

“Khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã đề nghị các địa phương ưu tiên các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu việc làm được tham gia. Trong năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu cho hơn 750 người đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có nhiều người thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”, bà Nguyễn Thị Nga nói.

Công tác giảm nghèo ở Kon Tum luôn được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh có 28.563 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,62%/năm. Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm 3,88%/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 6,84% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm