Nhà Rông làng Đăk Trăm, xã Đăk Trăm, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, được làm mới từ tiền chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN |
Năm 2017, từ số tiền hơn 168 tỷ đồng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị sử dụng dịch vụ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thanh toán, tạm ứng cho 7 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp các huyện với số tiền hơn 52 tỷ đồng; 7 Ban quản lý rừng phòng hộ với số tiền hơn 34 tỷ đồng; 3 Ban quản lý rừng đặc dụng với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng; 6 chủ rừng là tổ chức khác với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; 75 UBND các xã, thị trấn với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có 3.612 hộ gia đình, cá nhân và 22 cộng đồng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 16,5 tỷ đồng... Ngoài ra, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ đã hỗ trợ kinh phí cho công tác trồng cây phân tán; hỗ trợ các xã, thị trấn có diện tích rừng ít nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng…với số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Bên cạnh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo quy định, Quỹ còn giải ngân tiền trồng rừng thay thế từ nguồn các chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác phải nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Thông qua các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp các huyện, các Ban quản lý rừng phòng hộ được UBND tỉnh giao trồng rừng thay thế với số tiền hơn 25,8 tỷ đồng để thanh toán cho công tác trồng mới năm 2016 và chăm sóc diện tích rừng đã trồng trong các năm 2014, 2016 và 2017. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức Nhà nước và UBND các xã, thị trấn cũng đã chi trả cho 1.462 hộ gia đình, cá nhân, 226 cộng đồng dân cư thôn, 157 nhóm hộ và 4 tổ chức nhận khoán với số tiền hơn 45,5 tỷ đồng để bảo vệ diện tích hơn 130 ngàn ha rừng. Theo đó, mỗi hộ nhận khoán có mức thu nhập bình gần 7 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 110 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ hơn 60 triệu đồng/nhóm hộ/năm và tổ chức là hơn 263 triệu đồng/tổ chức/năm. Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của tài nguyên rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, rà soát, đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động để huy động cao nhất nguồn lực xã hội tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu bảo vệ, duy trì diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hiện có và phát triển thêm diện tích rừng trong thời gian tới. Đồng thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật những đơn vị sử dụng cố tình không chấp hành việc kê khai, nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định… Quỹ cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách của các đơn vị chủ rừng là tổ chức, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, UBND cấp xã nhằm phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Quỹ chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và UBND các xã, thị trấn theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Quang Thái