Những năm qua, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Kon Tum đã chung sức, đồng lòng, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần, để họ có động lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn hơn 6.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,31% tổng dân số toàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, đầu năm 2021, toàn tỉnh Kon Tum có gần 22.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,32% tổng dân số toàn tỉnh; trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Vì vậy, tiến độ về phân bổ, giao kế hoạch vốn hằng năm nguồn ngân sách Trung ương cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được đảm bảo. Cùng với đó, một số dự án đầu tư quan trọng đã và đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
“Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo đạt và vượt kế hoạch được giao”, ông Nguyễn Trung Thuận cho biết thêm.
Cụ thể, đầu năm 2021, toàn tỉnh có 21.989 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,32% tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, với 20.818 hộ. Đến cuối năm 2022, tỉnh Kon Tum đã giảm được hơn 6.000 hộ nghèo, chỉ còn 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% tổng dân số toàn tỉnh. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh xuống còn 10.220 hộ, chiếm 6,84% tổng số hộ của tỉnh. Đến cuối năm 2024, tỉnh Kon Tum chỉ còn 6.556 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,31% tổng số hộ dân của tỉnh.
Ông A Đam, thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của thôn. Tháng 8/2023, ông được Ủy ban nhân dân xã Pô Kô hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Sau gần 1 năm chăm sóc, bò đã sinh thêm một bê con. Việc Nhà nước hỗ trợ giúp gia đình có điều kiện phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo.
Song song với công tác giảm nghèo, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn cũng được tỉnh Kon Tum chú trọng. Trong năm 2024, tỉnh đã đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp cho gần 7.600 người; mở lớp đào tạo nghề cho gần 3.300 học viên; tổng số lao động được giải quyết việc làm lũy kế từ đầu năm là 6.330 người.
Thông qua công tác đào tạo, giải quyết việc làm, tỉnh Kon Tum đã cung ứng 665 lao động đi làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; cho vay giải quyết việc làm mới cho người lao động thông qua nguồn vốn cho vay đã giải ngân hơn 173 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 2.876 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 213 lao động; tạo việc làm cho người lao động thông qua các chương trình khác tại các địa phương cho 2.576 người.
Y Chung (sinh năm 1993, dân tộc Hà Lăng, trú thôn Đắk Đê, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) tốt nghiệp cao đẳng tiểu học. Sau khi ra trường, Chung đi dạy một thời gian, song dạy hợp đồng nên thu nhập không cao, không đảm bảo cuộc sống gia đình. Cô đã quyết định nghỉ việc và đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum nhờ hỗ trợ kết nối một công việc tốt hơn. Sau khi được giới thiệu, Y Chung đã được tuyển dụng vào vị trí nhân viên thu mua vật tư tại Công ty TNHH RK RESOURCES. Với sự chăm chỉ của mình, Y Chung đã có được khoản thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình của cô đã được ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Trung Thuận, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung nguồn lực từ ba Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo để thoát nghèo bền vững; đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo.
“Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình giảm nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả năng thụ hưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động để nâng mức sống của hộ trên hoặc ngang bằng với mức sống của hộ trung bình”, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.
Dư Toán