Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng đi tuần tra khu vực khoanh nuôi tái sinh rừng . Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Huyện Kon Rẫy - địa phương có tổng diện tích rừng hơn 59.000 hecta, trải dài và tiếp giáp với nhiều huyện. Vì vậy, công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là những diện tích rừng giáp ranh gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Độ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy chia sẻ: Trước đây không có chính sách giao rừng cho cộng đồng bảo vệ như bây giờ, anh em kiểm lâm rất vất vả. Một kiểm lâm địa bàn vừa làm công tác tham mưu vừa chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ hàng chục hecta rừng. Vì thế nhiều điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép khó phát hiện, xử lý. Trước tình hình đó, việc huy động sức dân cùng tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai thực hiện. Đặc biệt, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương được thành lập đã góp phần rất lớn vào việc giữ rừng. Không chỉ góp phần vào công tác giữ rừng mà còn tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hàng ngàn hộ dân, cộng đồng có nguồn thu ổn định. Có nguồn kinh phí, huyện Kon Rẫy đã tiến hành giao khoán được hơn 23.600 hecta cho 31 cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy giao hơn 14 ngàn hecta cho 24 cộng đồng; Ban quản lý Rừng phòng hộ Kon Rẫy giao hơn 9.500 hecta cho 17 cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy cho biết, từ khi những diện tích rừng được giao khoán cho cộng đồng quản lý và bảo vệ, rừng đã yên bình hơn. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, truy quét được tổ chức thường xuyên hơn với nhiều lực lượng tham gia. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn đã tổ chức được 35 cuộc tuần tra, truy quét cấp huyện với 311 người tham gia và 77 cuộc tuần tra, truy quét cấp xã với 641 người tham gia. Nhờ đó, tình hình vi phạm "lâm luật" cũng giảm rõ rệt. Từ đầu năm đến ngày 24/9, trên địa bàn xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 13,63% so với cùng kỳ năm 2018), tang vật thu giữ gần 80m3 (giảm 33,7% so với năm 2018) gỗ. Đặc biệt, các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã được ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả, không phát sinh điểm nóng mới. Có thể nói, công tác giao khoán rừng cho cộng đồng bảo vệ thực sự là một chủ trương đúng đắn để bảo vệ những “rừng vàng” đang hiện có. Với tỉnh Kon Tum, công tác huy động sức mạnh của cộng đồng, nhất là cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng đã và đang được triển khai rất tốt. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các ban quản lý, công ty lâm nghiệp đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình, trung bình đạt 201.211ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích đã giao rừng nhưng chưa được hưởng lợi cho 11 cộng đồng với 7.935,4ha. Việc giao khoán cho cộng đồng cùng tham gia bảo vệ không chỉ giữ vững sự bình yên cho các cánh rừng mà còn góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quang Thái