Nắng nóng hoành hành kéo dài, người dân ở tỉnh Kon Tum đổ xô thuê nhân công cùng xe cơ giới đào ao hồ, khoan giếng tìm nước sinh hoạt, cứu hạn cho cây trồng, vật nuôi. Ảnh : kto.vn |
Trước thực trạng đó, tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai nhiều giải pháp; trong đó tập vào việc duy trì, sử dụng các nguồn nước tưới hiện có; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động phòng chống hạn, điều tiết nước hợp lý; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới, Bên cạnh đó, thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau. Đồng thời, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa... nâng cao năng lực tích nước của đầu mối và nâng cao hệ số sử dụng nước của kênh mương. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước với các hộ dùng nước, bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng. Ngoài ra, các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng và chống hạn, nhất là các hồ chứa đang triển khai xây dựng mới, tu sửa nâng cấp; kiểm tra, tu sửa cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo nguồn nước không bị rò rỉ, thất thoát... Đặc biệt, khi hạn xảy ra, sử dụng phương pháp tưới động lực (máy bơm điện, máy bơm dầu) bơm từ các khe, suối, hồ, đập để tưới bổ sung cho khu vực bị hạn; Điều tiết nước từ kênh chính cho các hồ chứa nước… Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, đến ngày 19/3/2019 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra khô hạn, thiếu nước với tổng diện tích 11 ha; trong đó gồm 7 ha lúa, 4 ha cây cà phê tập trung tại huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô và huyện Kon Rẫy. Ngoài ra có 35 ha lúa thuộc công trình hồ chứa Tân Điền (xã Vinh Quang) đang thiếu nước. Dự báo trong thời gian tới, nhất là tháng cao điểm mùa khô (kéo dài đến cuối tháng 4) thời tiết không có mưa, nguy cơ đến cuối vụ diện tích cây trồng có khả năng bị hạn khoảng hơn 2.386 ha; trong đó gồm 907 ha lúa, 1.459 ha cây công nghiệp chủ yếu cây cà phê, tiêu, 19,5 ha cây trồng khác (cây ăn quả, cây lâu năm...). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 9 công trình nước sinh hoạt đầu mối bị cạn kiệt, hạn chế cấp nước sinh hoạt cho khoảng 180 hộ dân với hơn 1.396 hộ sẽ bị ảnh hưởng.
Trần Quang Thái