Hộ ông Phạm Bá Tơn tại tổ 4, phường Lê Lợi nuôi gần 300 con lợn. Khu vực chăn nuôi của gia đình ông cũng có hầm Biogas tuy nhiên lượng nước thải cũng nhiều. Biết chăn nuôi là gây ô nhiễm môi trường nhưng gia đình ông chưa có hướng giải quyết. Nếu chính quyền quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư đô thị, gia đình ông sẵn sàng di dời.
Là những khu dân cư đông đúc như phường Thắng Lợi, phường Quang Trung, nhưng đa số đồng bào dân tộc thiểu số đều nuôi thả bò, lợn gây mùi hôi rất khó chịu. Do ý thức bảo vệ môi trường còn kém nên nhiều hộ vẫn làm chuồng trại ngay sát nhà, tập trung phân thành đống ngay bên hông nhà để làm phân bón cho cây trồng.
Đã nhiều lần tiếp nhận đơn kiến nghị của người dân về việc các điểm chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ông Đào Duy Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum cho biết, Phòng đã nhiều lần đề nghị UBND thành phố Kon Tum sớm quy hoạch khu chăn nuôi, giết mổ tập trung. Nếu có quy hoạch, Phòng sẽ phối hợp với chính quyền di dời các cơ sở gây ô nhiễm để thuận tiện công tác quản lý, khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu vực dân cư. Đồng thời, Phòng đã có văn bản đề nghị các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi tự phát, ngừng xả thải trực tiếp ra môi trường. Chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, hạn chế số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm để tránh ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Nếu hộ chăn nuôi không chấp hành sẽ xử lý vi phạm hành chính.
Hồng Điệp