Nghề nuôi tôm nước mặn và nước lợ tại Trà Vinh . Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, sản lượng thủy sản của tỉnh tăng khá chủ yếu là nhờ nuôi trồng ở cả 3 vùng ngọt, lợ và mặn được nông dân mạnh dạn đầu tư thay đổi hình thức nuôi theo hướng siêu thâm canh, tuân thủ đúng lịch thời vụ thả giống. Theo thống kê, tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 200 ha nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Đây là mô hình cho năng suất tăng từ 7-8 lần so với cách nuôi thông thường (đạt trên 50 tấn/ha). Bên cạnh đó, nhờ công tác kiểm soát, quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, môi trường vùng nuôi... được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã tăng cường thực hiện chặt chẽ nên tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi chỉ ở mức 15%, giảm 5% so cùng kỳ. Cũng theo ông Phạm Minh Truyền, mặc dù sản lượng tôm nuôi tăng, nhưng lợi nhuận của nông dân khai thác và nuôi trồng thủy trong tỉnh Trà Vinh đạt thấp do giá tôm thương phẩm từ đầu năm đến năm nay giảm kéo dài. Giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng thương phẩm các loại từ đầu năm đến nay giảm bình quân trên 10.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, trước tình hình giá tôm thị trường không ổn định như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã trong tỉnh vận động, khuyến khích nông dân nên nuôi tôm rãi vụ, không nuôi tôm 2 – 3 vụ trong năm nên tận dụng ao hồ chuyển sang nuôi các loài thủy sản có giá trị khác để đảm bảo nguồn thu nhập trong tình hình giá tôm giảm thấp.
Phúc Sơn