Kiên Giang: Tăng thu nhập từ nuôi ba ba thịt

Mô hình nuôi ba ba thịt và ba ba giống đang được nhiều nông dân ở một số huyện của tỉnh Kiên Giang áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, đặc biệt trong khoảng 2 năm nay giá ba ba thịt duy trì ở mức cao giúp tăng lợi nhuận cho người nuôi.

vna_potal_kien_giang_nguoi_nuoi_loi_kha_vi_gia_ba_ba_thit_tang_cao_7361070.jpg
Ông Lê Văn Quí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng hỏi thăm mô hình nuôi ba ba của nông dân. Ảnh: Văn Sĩ – TTXVN

Là một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên với số lượng lớn ở xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, bà Thị Tuyền cho biết gia đình đã gắn bó hơn 7 năm với loài vật nuôi này. Tùy theo tình hình nhu cầu của thị trường và giá ba ba thịt, bà Tuyền nuôi từ 4.000 đến 6.000 con mỗi đợt; trong đó, đợt nuôi gần đây nhất là 4.000 con và gia đình đã tuyển bán hơn 2.000 con, còn lại gần 1.000 con có trọng lượng từ 700 gram - 1,4 kg đang chuẩn bị thu hoạch.

“Trước đây gia đình tôi nuôi lợn, nhưng thấy giá lợn hơi bấp bênh, trong khi chúng ăn rất nhiều thức ăn, khó có lời nên từ năm 2017 sau khi tìm hiểu, học hỏi ở một số người nuôi thành công ba ba thịt, vợ chồng tôi áp dụng nuôi đến nay. Trung bình, gia đình tôi nuôi đạt tỷ lệ khoảng 70% so với số lượng con giống thả nuôi, sau khi trừ chi phí mỗi con ba ba thịt có lời khoảng 20.000-30.000 đồng, nguồn thu nhập cũng đủ cho gia đình trang trải chi phí, lo cho con đi học”, bà Tuyền chia sẻ thêm.

Một trường hợp khác ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng cũng thành công với mô hình nuôi ba ba thịt, ông

Thạch Anh Sơn cho biết, sau lần nuôi thành công từ năm 2019 đến nay, gia đình ông chọn con ba ba làm mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Theo ông Sơn, nuôi ba ba thịt giá bán và đầu ra ổn định hơn so với một số vật nuôi khác như: lươn, lợn hay nuôi cá. Giá ba ba thịt dao động từ 170.000 - 280.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ); trong đó, ba ba đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên sẽ có giá cao hơn.

“Từ khi tôi nuôi ba ba đến nay việc tiêu thụ luôn dễ dàng và nơi cung ứng con giống sẽ thu mua lại ba ba thịt, tuy nhiên cũng có thể bán cho bên ngoài vì nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng, quán ăn khá lớn. Tôi thường duy trì nuôi 4.000 con giống. Từ cuối năm 2023 đến nay, giá thức ăn viên tăng lên khoảng 20% mỗi bao nên cũng giảm lợi nhuận cho người nuôi”, ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, ở xã Định Hoà, huyện Gò Quao là một trong ít nông dân áp dụng thành công mô hình nuôi ba ba sinh sản ở tỉnh Kiên Giang. Ông Lâm cho biết, gia đình áp dụng mô hình từ năm 2017 với 10 ao nuôi và thả 10.000 con giống. Sau khi nuôi được khoảng 23 tháng, ba ba cái bắt đầu sinh sản và từ đó đến nay, ông Lâm cung ứng khoảng 500.000 con ba ba giống cho nông dân ở Kiên Giang và một số tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau…

“Ba ba cái sinh sản quanh năm và đẻ nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Chúng đẻ trứng mỗi đợt khoảng 20 ngày và mỗi con đẻ từ 13-22 trứng. Giá ba ba giống gần đây khoảng 5.000 đồng/con. Bên cạnh, tôi cũng nuôi ba ba thịt và mỗi năm xuất bán khoảng 5.000 con; tổng thu nhập từ ba ba giống, ba ba thịt khoảng 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 500 triệu đồng/năm. Tôi vừa bán con giống cũng vừa tư vấn kỹ thuật làm ao nuôi, cách chăm sóc ba ba, xử lý một số bệnh thường gặp như: nấm da, đường ruột…để các nông dân khác nuôi hiệu quả”, ông Lâm chia sẻ thêm.

vna_potal_gia_ba_ba_thit_tang_cao_nguoi_nuoi_o_kien_giang_lai_lon_7361069.jpg
Hiện, giá ba ba thịt ở Kiên Giang từ 150.000-280.000 đồng/kg (tùy kích cỡ). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 100 hộ nuôi ba ba thịt; trong đó, có một số hộ áp dụng thành công cho ba ba sinh sản để bán con giống. Đây cũng là loài vật nuôi tự phát của nông dân và chính quyền địa cũng chưa có quy hoạch, định hướng phát triển do phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa. Tuy nhiên, khoảng chục năm qua mô hình nuôi ba ba cũng giúp cho nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế, khá lên từ vật nuôi này.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, bình quân thời gian nuôi ba ba thịt từ 16-18 tháng đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg và có thể xuất bán. Ba ba có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ cơ thể nên những năm gần đây được nhiều quán ăn, nhà hàng thu mua để phục vụ khách. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ ba ba thương phẩm cũng được nhiều thương lái thu mua và nhiều nông dân ở các tỉnh, thành miền Tây thả nuôi.

Trong nuôi ba ba, người nuôi cần bố trí ao nuôi gần nơi nước sạch, chủ động cấp thoát nước dễ dàng; không gian nuôi ba ba yên tĩnh vì chúng sợ tiếng động và có thể bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe khi gặp phải tiếng động lớn hay nguồn nước trong ao bị động mạnh. Xung quanh bờ ao có thể trồng cây để che mát cho ao, cây ăn quả có giá trị... tạo điều kiện thích hợp với đời sống của ba ba.

“Tại Kiên Giang, để ba ba trở thành đối tượng nuôi phát triển kinh tế hộ thoát nghèo, làm giàu, các ngành chuyên môn, đoàn thể tỉnh cũng phối hợp tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; tăng cường hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu nuôi tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương”, ông Hiển thông tin thêm.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm