Biển đảo Việt Nam:

Kiên Giang phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển đảo

Kiên Giang phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển đảo
Ông Giang Thanh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương cho biết, những năm 1999 -2001, vùng biển Kiên Lương chỉ có một vài hộ nuôi cá lồng bè trên biển và nuôi nghêu trắng với diện tích gần 600 ha. Việc nuôi trồng thủy sản chủ yếu theo nhu cầu của cư dân sinh sống ven biển, đảo với phương thức nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vài năm trở lại đây, tại địa phương hình thành nhiều bãi giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ với diện tích khoảng 14.000 ha ven biển và có cơ sở cung cấp giống cá biển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Phương tiện đánh bắt hải sản ở đảo Hòn Nghệ. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN
Phương tiện đánh bắt hải sản ở đảo Hòn Nghệ. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN
 
Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp về cho thuê mặt nước biển ven bờ, từ đó các hộ dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nuôi cá lồng bè và sò huyết, sò lông. Đến nay, toàn huyện Kiên Lương có hơn 700 lồng bè nuôi cá, sản lượng 300 tấn/năm.

Đối tượng nuôi chính là cá mú và cá bớp. Đây là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ cũng tăng lên và đạt 1.500 ha, với sản lượng khoảng 15.000 tấn/năm.
   
Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản ven biển tại huyện Kiên Lương phát triển mạnh so với những năm trước đây, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy cơ phát triển không bền vững.
 
Tiềm năng của nhiều khu vực mặt nước biển ven biển đảo có điều kiện tốt nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ nhưng chưa đưa vào quy hoạch gây lãng phí nguồn tài nguyên và đang bị các phương tiện khai thác, đánh bắt vượt quá mức cho phép gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản biển.

Bên cạnh đó, hiện nay số lồng bè nuôi tăng quá nhanh dẫn đến sự thiếu hụt về con giống; kỹ thuật nuôi, chăm sóc, quản lý cá nuôi của người dân còn hạn chế…
 
Vì vậy, để nghề nuôi trồng thủy sản ven biển đảo trên địa bàn huyện Kiên Lương phát triển bền vững và trở thành thế mạnh, hạn chế được nạn cào bờ, xiệp mé, chuyển đổi nghề khai thác phương tiện nhỏ sang nuôi trồng thủy sản ổn định, đồng thời cũng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, Kiên Lương đang thực hiện nhiều giải pháp để góp phần cho nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh đảo ngày đi vào nề nếp, bền vững.
 
Theo đó, huyện Kiên Lương phân bố vùng nuôi ven biển trên địa bàn thành 3 vùng nuôi, bao gồm: vùng 1 là vùng ven bờ biển thuộc xã Bình An, Bình Trị, Dương Hòa và thị trấn Kiên Lương phát triển nuôi nhuyễn thề hai mảnh vỏ; vùng 2 tập trung ở xã đảo Hòn Nghệ phát triển nuôi cá lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, du lịch; vùng 3 nằm khu vực quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và du lịch.
   
Theo ông Giang Thanh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, để từng bước phát triển kinh tế biển một cách bền vững thì việc giao, cho thuê mặt nước biển phải được thực hiện theo quy hoạch phát triển.
  
Huyện Kiên Lương sẽ có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của các địa phương ven biển, đưa nghề nuôi cá lồng bè trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
   
Vùng biển Kiên Lương có đặc điểm thuận lợi là độ sâu từ 1 - 5 m và chất đáy bùn pha cát sở hữu một phần hệ sinh thái biển phong phú, rất nhiều loài động, thực vật phiêu sinh, động vật đáy tạo ra môi trường giàu dinh dưỡng.

Trên vùng biển này đã hình thành bãi đẻ và phát triển của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, như nghêu lụa, sò huyết, sò lông… có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, vùng biển Kiên Lương rất phù hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản trên biển cũng như nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nuôi cá lồng bè tập trung ở hai xã đảo Hòn Nghệ, Sơn Hải./.
  Lê Sen
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm