Kiên Giang có trên 13% dân số là đồng bào dân tộc Khmer với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Đến với những phum sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống, điều dễ nhận thấy nhất là nhiều hộ từng nghèo khó nay đã vươn lên chí thú làm ăn, mạnh dạn tìm tòi, phát triển những mô hình sản xuất mới…
Là một trong những hộ được tiếp cận 30 triệu đồng vốn vay phát triển sản xuất, bà Thị Bình ở ấp Láng Sen, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn chuyển đổi 7.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang trồng dưa leo. Mỗi năm, bà Thị Bình trồng dưa leo được 3 vụ, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/vụ. Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Thị Bình cho biết: “Đồng bào Khmer trong ấp Láng Sen giờ rất có ý thức vươn lên thoát nghèo. Thành quả này một phần là nhờ các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo thoát nghèo của Đảng, Nhà nước”.
Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào Khmer ở huyện Vĩnh Thuận đã mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất mới, trong đó có mô hình tôm - lúa, giúp cuộc sống ngày càng khấm khá. Điển hình như hộ ông Danh Thanh ở ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc; ông Danh Lâu ở ấp Kinh 2, xã Tân Thuận; ông Danh Sơn Hà ở ấp Bời Lời B, xã Bình Minh..., mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha.
Tại huyện vùng sâu Gò Quao, sau khi rà soát và nhận thấy nguyên nhân nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, nhiều lao động không có việc làm, không có tay nghề... huyện đã lên kế hoạch cụ thể để đồng hành cùng đồng bào Khmer trong “cuộc chiến” xóa nghèo. Nhằm giúp hộ ông Danh Bọt ở ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam vươn lên thoát nghèo, chính quyền đã hỗ trợ vốn, vận động trồng màu trên đất vườn tạp. Đến nay, gia đình ông trồng được 65 giống rau các loại như: xà lách, cải xanh, củ cải trắng, cải ngọt… và thoát nghèo từ năm 2021.
Theo ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, bên cạnh chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ địa phương khó khăn của Đảng và Nhà nước thì ý thức tự vươn lên thoát nghèo chính là “chìa khóa” giúp cuộc sống của đồng bào Khmer hôm nay có những đổi thay đáng kể. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn 3,68%; hộ cận nghèo giảm còn gần 6%.
Lê Sen