Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn với những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tế của đồng bào dân tộc và mang lại nhiều kết quả tích cực…
Thời gian vừa qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở vùng đồng bào dân tộc đã được tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm. Tùy theo nhu cầu, thế mạnh của mỗi địa phương, các lớp dạy nghề do các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng học nghề của người dân nông thôn.
Nhằm cải thiện đời sống đồng bào Khmer, huyện Giang Thành đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó có việc mở các lớp đào tạo nghề. Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng năm 2021, huyện đã mở 15 lớp dạy nghề như: may dân dụng, điện dân dụng, uốn tóc, sửa chữa máy nổ… cho gần 400 người. Ứng dụng tốt kiến thức đã học vào thực tế, đã có 170 người tìm được việc làm, cuộc sống dần thay đổi. Điển hình như chị Thị Diễm ở ấp T4, xã Vĩnh Phú, sau khi học xong đã mở được một cửa hàng may nhỏ, thu nhập ổn định hơn trước.
Với 43% dân số là đồng bào Khmer, xã Thới Quản, huyện Gò Quao là một trong những địa phương thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2021, xã mở 9 lớp dạy nghề cho hơn 300 người, khoảng 70% số học viên tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Theo ông Danh Em, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thới Quản, nghề đào tạo chủ yếu là những ngành nghề mà đồng bào đang có nhu cầu học hỏi để tìm kiếm việc làm và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nên đồng bào tham gia rất đông. Hiện xã đã thành lập nhiều mô hình tổ, nhóm giúp nhau phát triển kinh tế.
Để nâng cao trình độ nghề cho đồng bào Khmer, Kiên Giang còn tổ chức đào tạo nghề tại Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh. Với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, trường có thể đáp ứng đào tạo cho hơn 1.000 học viên các hệ đào tạo.
Theo ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tập trung mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, chính quyền các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2022, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm còn trên 3%; hộ cận nghèo giảm còn trên 6%.
Lê Sen