Kiểm tra cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Phương Anh-TTXVN |
Theo đó, tỉnh xây dựng kịch bản 4 tình huống với các giải pháp ứng phó phù hợp, gồm: chưa phát hiện virus cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện virus cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; phát hiện virus cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh; phát hiện virus cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chủ động, phối hợp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cúm A/H5N1 và các chủng virus cúm nguy hiểm trên gia cầm. Cụ thể, gia cầm nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ đúng theo quy trình, đảm bảo đạt tỷ lệ 80% đối tượng tiêm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường kết hợp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; động viên cơ sở chăn nuôi gia cầm đủ điều kiện đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Cùng với đó, ngành chăn nuôi tỉnh Kiên Giang xây dựng, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các các bệnh khác. Tỉnh nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa quan lại đường biên giới khi nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyện, giết mổ gia cầm và vận chuyển, buôn bán sản phẩm gia cầm trên toàn địa bàn, nhất là tại các điểm chợ; thường xuyên lấy mẫu giám sát trên gia cầm… Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh hiện có đàn gia cầm hơn 4,4 triệu con; trong đó, có trên 2 triệu con gà, hơn 2,2 triệu con vịt, số còn lại là ngan và những loài khác. Tuy nhiên, đa số gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt thấp; điều kiện chăn nuôi, an toàn sinh học không đảm bảo… Người dân có tập quán, thói quen buôn bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại chợ theo cách truyền thống, một số địa phương chưa có lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tình trạng giết mổ lậu, không qua kiểm soát thú y còn tồn tại… Ngoài ra, Kiên Giang có địa giới giáp với các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và biên giới giáp với Campuchia nên nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm từ ngoài vào thông qua hoạt động vận chuyển, mua bán gia cầm là rất cao. Tại tỉnh Kiên Giang, trong năm 2019 và những tháng đầu năm nay, mặc dù, chưa phát hiện dịch cúm trên gia cầm, nhưng qua 4 đợt giám sát chủ động đã phát hiện tỷ lệ khá cao mẫu có chứa virus cúm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp.
Lê Huy Hải