Ngày 23/12, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang năm 2024.
Đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, cùng 80 đại biểu là những gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, đại diện cho 285 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tham dự.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 18 cá nhân; Ban Dân tộc tỉnh trao Giấy khen cho 4 tập thể, 62 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang năm 2024.
Kiên Giang có 12/15 huyện, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 69.965 hộ, hơn 261.130 khẩu, chiếm 14,9 % dân số của tỉnh; có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số, trong đó có 15 ấp đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2023 - 2027, tỉnh bình chọn 285 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố. Tỉnh Kiên Giang có 27 dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn là dân tộc Khmer và Hoa.
Ông Danh Tha, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, những người có uy tín được tuyên dương lần này đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giữ gìn an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc…
Điển hình như Hòa Thượng Lý Long Công Danh, Trụ trì chùa Thủy Liễu, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang), những năm qua xây dựng hàng trăm cầu, đường giao thông nông thôn, làm công tác từ thiện xã hội. Năm 2024, Hòa thượng vận động xây dựng 12 cầu giao thông nông thôn tại các vùng đặc biệt khó khăn tại tỉnh, xây cất 10 nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở. Hòa thượng cũng thực hiện công tác cứu trợ, giúp đỡ hộ nghèo, bị thiên tai, con em hộ nghèo hiếu học, thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội khác, với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Ông Danh Hùng ở xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành) là người có uy tín trong đồng bảo dân tộc thiểu số ở huyện, thực hiện tốt phong trào tham gia bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Ông Danh Hùng chia sẻ: “Tôi vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, mốc giới quốc gia và thực hiện các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đối với những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, tôi cùng với các ngành liên quan tổ chức gặp gỡ trực tiếp người dân để lắng nghe, trao đổi, giải thích, giải quyết kịp thời có lý, có tình, đúng chính sách pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Tại hội nghị, ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ghi nhận, những người có uy tín đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh. Người có uy tín thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và có uy tín của bản thân đối với cộng đồng, họ đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
“Các điển hình tiên tiến được tôn vinh hôm nay sẽ tạo sức lan tỏa sâu rộng, động viên khích lệ tinh thần, tạo động lực, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới; tiếp tục góp phần vun đắp, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Lê Trung Hồ khẳng định.
Lê Huy Hải