Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi

Với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đinh Văn Na (67 tuổi, dân tộc Hre), là đảng viên, người có uy tín tại thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Mặc dù tuổi cao, nhưng ông Na luôn gương mẫu trong lao động sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Ông đã thành công trong việc tự cải tạo đất nương rẫy để trồng keo, sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện 2 vợ chồng ông sở hữu 10 con trâu, 2 con bò, lợn, gà cùng với nhiều ha rừng trồng keo, sắn. “Ngày trước bà con nơi đây ai cũng đói nghèo, đất rừng nhiều nhưng không biết cách làm ăn. Sau nhiều năm cố gắng, được chính quyền đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều nơi, tôi đã chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng sắn, keo; biết cách chăm sóc, bón phân cho cây trồng; trong chăn nuôi biết dự trữ thức ăn, tiêm phòng bệnh. Tôi tự hào vì dù tuổi cao nhưng vẫn có thể tự lao động, không dựa vào Nhà nước hay con cháu”, Ông Na tâm sự.

ong_on_thuong_xuyen_quan_tam_giup_do_dan_lang_trongnnnn_thon_20231029100700.jpg
Già Đinh Văn Na và học sinh trong làng. Ảnh: baoquangngai.vn

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Na còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, ông đã hướng dẫn cho hàng chục hộ dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng trọt, chăn nuôi, từ đó mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các tập tục, quan niệm xưa cũ, lạc hậu như: tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma chay, cưới hỏi linh đình...

Anh Đinh Văn Lềnh, thôn Làng Ranh, cho biết, nhờ sự chỉ bảo của ông Na mà vợ chồng anh biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Bản thân anh không uống rượu, bạo lực với vợ con, chăm chỉ lao động sản xuất và nuôi con ăn học.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Ba Trương Ngọc Sơn cho biết, năm 2024 xã Sơn Ba có 88 hộ thoát nghèo, kết quả này sự đóng góp rất lớn của những già làng, người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có ông Đinh Văn Na. Thời gian qua, ông Na đã hỗ trợ cho xã rất nhiều cho việc tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bản thân ông và gia đình đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền các cấp.

Ông Phạm Văn Nó (54 tuổi, dân tộc Hre) người có uy tín ở thôn Gò Khôn, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ không chỉ hiến đất mở đường mà còn vận động bà con cùng hiến đất xây nhà văn hóa, điểm trường mầm non. Nhờ vậy, người dân có chỗ sinh hoạt, họp hành; trẻ con trong thôn không phải xuống núi tìm con chữ. Ông Nó cho hay, trước đây, đường từ trung tâm xã Ba Giang về thôn nhỏ, lầy lội nên đi lại khó khăn. Khi xã có chủ trương phát động các hộ dân hai bên đường hiến đất làm đường, tôi đã tiên phong hiến đất. Đồng thời, vận động bà con cùng đóng góp để làm đường cho mình và bà con cùng hưởng lợi. Không chỉ tiên phong, gương mẫu trong hiến đất mở đường, ông Nó còn phát huy vai trò của người uy tín để tuyên truyền, vận động người dân trong khu dân cư xây dựng nếp sống văn minh, không tảo hôn, rượu chè, gây mất an ninh trật tự. Nhờ đó, những năm qua, người dân ở thôn Gò Khôn chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, không xảy ra các tệ nạn xã hội.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Giang Phạm Văn Nhung cho biết, ông Nó là người có uy tín tiêu biểu ở địa phương. Ông tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, động viên bà con cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, là trong phong trào hiến đất mở đường, xây dựng các công trình công cộng.

Quảng Ngãi hiện có hàng trăm người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là nhân tố quan trọng góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đồng thời, tiên phong xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp đỡ người dân địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên đánh giá, với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.... “Vai trò của các già làng, người uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Do đó, chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ để trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người có uy tín. Từ đó, phát huy vai trò của họ hơn nữa trong phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”, ông Phiên nhấn mạnh.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm