Kiểm soát kịp thời, hạn chế bùng phát các bệnh truyền nhiễm

Chiều 12/3, Đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang đã có buổi làm việc với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại địa phương, trong tình hình một số bệnh có diễn biến phức tạp.

bệnh dại.jpg

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, bệnh dại đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong tại thị xã La Gi và các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (cùng kỳ năm 2023 không có ca nào). Nguyên nhân của các ca tử vong đều do mắc bệnh dại vì bị chó, mèo cắn nhưng không tiêm ngừa vaccine.

Trong khi đó, so với trung bình 4 tháng cuối năm 2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong 2 tháng đầu năm 2024 đang có dấu hiệu giảm mạnh ở tất cả các địa phương nhưng vẫn ở mức cao. Toàn tỉnh có 63 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2023)…

Tình hình bệnh sốt xuất huyết những tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết giảm đều ở 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh ghi nhận 316 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 75% so với cùng kỳ năm 2023). Hiện COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt trên toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Văn Hồng cho biết: Bình Thuận luôn chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nhằm kiểm soát kịp thời, hạn chế bùng phát lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn gặp nhiều khó khăn như: Tập quán, nếp sống, nhận thức của người dân ở một số địa phương còn thấp, nhất là trong phòng, chống bệnh dại; tình trạng thiếu thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng còn diễn ra; công tác truyền thông còn hạn chế, chưa bám sát và mang lại hiệu quả thực tế…; tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo còn rất thấp.

vna_potal_dak_lak_tang_cuong_cac_bien_phap_phong_chong_dich_benh_7161399.jpg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Đỗ Thái Hùng cho rằng, hiện nay, công tác phối hợp giữa UBND các địa phương, các ngành với ngành Y tế trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm ở một số nơi chưa chặt chẽ, chưa mang lại hiệu quả cao nhất. Với phương châm hạn chế số ca mắc, hạn chế số ca mắc nặng và hạn chế thấp nhất số ca tử vong, thời gian tới, Bình Thuận cần chủ động làm tốt công tác lập kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong đó, tỉnh cần làm tốt việc dự kiến tình hình dịch bệnh xảy ra dựa theo chu kỳ bệnh, từng loại bệnh; phương án, nhân sự, công tác chuyên môn, kinh phí để ứng phó nếu có dịch xảy ra đối với từng loại bệnh.

Theo Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Bình Thuận cần giám sát chặt chẽ các địa bàn trọng điểm, nguy cơ cao; thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh phát triển; phân bổ kinh phí phòng, chống dịch bệnh hợp lý, cũng như phương án xử lý, kiểm soát bệnh. Tỉnh cần huy động sự vào cuộc của hệ thống y tế tư nhân vào công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ngành Y tế chủ động phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xác định rõ, trong công tác phòng, chống dịch, bệnh, truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng địa phương cần đổi mới phương thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng người dân, khu vực; nội dung truyền thông đi vào trọng tâm, dễ hiểu và cần thiết. Đối với bệnh dại, tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông về ý thức của người dân khi nuôi chó, mèo; nâng cao ý thức phòng bệnh, vận động người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế tiêm phòng….

Trước đó, Đoàn công tác đã đến giám sát thực tế công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại thị xã La Gi.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm