Khởi sắc vùng nông thôn mới Định Quán

Hệ giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở xã Phú Vinh (Định Quán, Đồng Nai). Ảnh: An Hiếu
Hệ giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở xã Phú Vinh (Định Quán, Đồng Nai). Ảnh: An Hiếu

Định Quán là huyện nông nghiệp miền núi, có địa hình phức tạp và là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai, nằm ở cửa ngõ Đông Bắc dọc theo tuyến Quốc lộ 20 nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Huyện có diện tích tự nhiên 97.135 ha, chiếm 16,4% toàn tỉnh, dân số 185.157 người, 89% sống ở nông thôn; mật độ 195 người/km2.

Năm 2018, huyện Định Quán được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Quán luôn chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, tập trung xây dựng NTM, biến Định Quán từ một huyện nghèo đã từng bước “thay da đổi thịt” và đang trên đà “chạy nước rút” để hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM nâng cao.

Khởi sắc vùng nông thôn mới Định Quán ảnh 1Toàn cảnh huyện Định Quán ngày nay. Ảnh: An Hiếu

Có dịp đến thăm Định Quán những ngày này, sẽ thấy những con đường trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang tươi đẹp, cuộc sống của người dân thanh bình, yên ả, chất lượng sống ngày càng được cải thiện và khởi sắc. Theo UBND huyện Định Quán, đến nay, huyện Định Quán đã đạt 32/36 chỉ tiêu huyện NTM, 31/38 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 trong đó 12/13 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2/13 xã đạt NTM kiểu mẫu, và với mục tiêu năm 2023 sẽ trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, huyện đã và đang tiếp tục khai thác hiệu quả thế mạnh “Nông nghiệp vùng núi sinh thái”, “Xây dựng nông thôn mới đi đôi với phát triến sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và bền vững”, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt những năm gần đây, Định Quán đã gia tăng đáng kể diện tích trồng cây sầu riêng, toàn huyện hiện có 3 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 231ha, tập trung tại các xã như Thanh Sơn, Phú Lợi và sẽ tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất, xây dựng mã vùng trồng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để cây sầu riêng được phát triển ổn định và bền vững.

Khởi sắc vùng nông thôn mới Định Quán ảnh 2Cây bưởi - một trong những loại cây trồng giúp bà con nông dân ở huyện Định Quán (Đồng Nai) thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu

Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của huyện thời gian vừa qua tăng bình quân gần 4,4%/năm; thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp/1 ha đất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt trên 200 triệu đồng/ha… Huyện cũng đã huy động tổng nguồn lực đầu tư phát triển địa bàn tăng 1,32 lần so với giai đoạn 2015-2020 để đầu tư cho các công trình giao thông nông thôn, trạm bơm nước và các dự án phục vụ nông nghiệp; quy hoạch trên 225 ha đất cho vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ gần 1,1 ngàn hộ chuyển đổi cây trồng trên gần 1 ngàn ha diện tích với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng; xây dựng 34 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực trên địa bàn; 27 chuỗi liên kết sản xuất…

Tính từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện Định Quán đã được thực hiện đầu tư nâng cấp bê tông, cấp phối sỏi đỏ 545 tuyến với tổng chiều dài là 655,00 km, tổng kinh phí thực hiện lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.  Hệ thống giao thông cơ bản đã nối thông từ huyện đến trung tâm các xã và các khu dân cư tập trung giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và giao lưu kinh tế được cải thiện.

Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông, mở rộng, nâng cấp mạng lưới giao thông đồng bộ cũng như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Khởi sắc vùng nông thôn mới Định Quán ảnh 3

Hệ giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ở xã Phú Vinh (Định Quán, Đồng Nai). Ảnh: An Hiếu

Đồng thời tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định, bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; quản lý tốt tài nguyên môi trường sinh thái; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao mức sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; giảm nghèo bền vững.

Thu Hương

(Báo ảnh Dân tộc và Miến núi)

Có thể bạn quan tâm