Khởi sắc du lịch Yên Bái

Khởi sắc du lịch Yên Bái

Khai thác thành công từ du lịch cộng đồng, gắn với di sản văn hóa đặc sắc của từng địa phương, du lịch Yên Bái tăng trưởng mạnh mẽ đạt gần 90% kế hoạch năm chỉ sau 8 tháng, nhiều khả năng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu cả năm 2023, trước khi bước vào mùa du lịch cao điểm cuối năm.

Khởi sắc du lịch Yên Bái ảnh 1Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – Bức tranh kiệt tác của con người và thiên nhiên. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Tiềm năng lớn phát triển du lịch cộng đồng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, điểm thu hút, hấp dẫn lớn nhất du khách đến với Yên Bái là loại hình du lịch cộng đồng, do người dân bản địa tự làm chủ; tự tổ chức, quản lý các tour tuyến trong phạm vi thôn, bản gắn với cuộc sống, sinh hoạt đời thường của người dân đang sinh sống.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, xuất phát từ nhu cầu của du khách, loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm thiên nhiên và khám phá văn hóa bản địa đang là lợi thế du lịch lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là cách quảng bá các nét đẹp văn hóa tới du khách. Việc gắn du lịch cộng đồng, khám phá thiên nhiên với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững đối với du lịch Yên Bái.

Báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho thấy, những năm gần đây loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ, có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng homestay, hiện toàn tỉnh có 25 thôn, bản với 210 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn tham gia làm du lịch cộng đồng. Nhiều khu du lịch cộng đồng nổi tiếng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái... đã có trong bản đồ du lịch cầm tay của du khách trong nước và quốc tế.

Khởi sắc du lịch Yên Bái ảnh 2Bất cứ ai đặt chân đến Yên Bái vào mùa hoa mận (tháng 1 đến tháng 2 hàng năm) sẽ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, quên cả lối về. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nằm giữa thung lũng xanh yên bình, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải có 86 hộ là đồng bào Thái đều tham gia làm du lịch, bởi từ lâu nơi đây là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình trải nghiệm, khám phá của du khách khi đến với vùng cao Yên Bái. Trước kia người dân sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngày nay thu nhập phần lớn của người dân đến từ hoạt động du lịch.

Ông Lường Văn Sanh, chủ Homestay Sanh Nhơn cho biết, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, người dân Khim Nọi đã tự giác nâng cấp, cải tạo nhà ở làm nơi lưu trú của du khách; thực hiện tốt vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên; tổ chức duy trì các hoạt động lễ, hội văn hóa; gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống đời thường tại các homestay, như ẩm thực, trang phục truyền thống, tập quán sinh hoạt, dân ca, dân vũ, đời sống tâm linh…

Là một trong những Homestay đầu tiên của thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, Homestay Loan Khang sở hữu 2 căn nhà sàn 15 gian, có thể đón từ 30 - 40 khách ngủ lại qua đêm. Tại đây, du khách được giao lưu văn nghệ truyền thống với các đội múa xòe cổ, chơi nhạc cụ dân tộc, đi xe đạp để trải nghiệm tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương và thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái.

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết, để hỗ trợ cho loại hình du lịch cộng đồng phát triển, thị xã Nghĩa Lộ đã chú trọng mở các lớp tập huấn nghiệp vụ tiếp đón, hướng dẫn viên du lịch; giúp người dân quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nội bộ cho các hộ làm du lịch Homestay; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức các tuyến phục vụ du khách.

Khai thác giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch

Hiện Yên Bái có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; 574 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 6 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu nhất là Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khởi sắc du lịch Yên Bái ảnh 3Nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Yên Bái  có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nước ngoài. Ảnh: Nhật Anh - TTXVN

Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với phát triển du lịch, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm đến công tác phục dựng các lễ hội văn hóa, đầu tư duy tu bảo dưỡng và xây dựng các công trình văn hóa. Cùng với đó, Yên Bái luôn duy trì trên 1.500 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả tại các thôn, bản.

Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái khẳng định, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Yên Bái đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch bền vững. Trong đó, người dân bản địa giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, trao truyền và trình diễn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Đồng thời, cũng chính người dân làm chủ thể khai thác giá trị các di sản văn hóa đó, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có tại mỗi địa phương.

Có hàng trăm lễ hội, hội thi, hội diễn trải đều trong cả năm, được tổ chức với quy mô từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tiêu biểu như Lễ cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Xòe Thái Mường Lò; Hạn Khuống của người Thái; Lễ mừng cơm mới của người Mông; Nghệ thuật Khèn Mông... Nhiều hội diễn đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên, như: Liên hoan văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái...

Khởi sắc du lịch Yên Bái ảnh 4Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với sự tham gia của 5.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng tại Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Ảnh tư liệu). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nhiều lễ hội được tổ chức từ lợi thế cảnh quan thiên nhiên, như: Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội về miền đất Ngọc, huyện Lục Yên; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng” trên đình đèo Cao Phạ... Thông qua lễ hội, du khách có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về những vùng đất có thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách.

Để du lịch Yên Bái tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới, ông Phùng Thế Hoàng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hằng năm Yên Bái tiến hành bảo tồn từ 2 - 3 di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch; tiếp tục khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Yên Bái trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm