Rau sạch với 3 không Tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên trẻ Mai Quốc Sáng, sinh năm 1994, không tìm kiếm việc làm dựa trên bằng cấp mà mạo hiểm thành lập công ty sản xuất rau, củ, quả hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Đưa chúng tôi đi một vòng khu vườn rộng hơn 2 ha rau tại Khu du lịch Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh), Sáng cho biết, ý tưởng thành lập vườn rau hữu cơ sạch được “nhen nhóm” từ thời sinh viên. Năm 2014, khi tham gia khóa học tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, Sáng được tham quan tại một vườn rau hữu cơ. Đến đây, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất rau sạch của nông dân, Sáng và những người bạn không khỏi thán phục. Từ đó, anh quyết tâm nghiên cứu và chinh phục nông nghiệp hữu cơ. Mai Quốc Sáng kể, xuất thân từ dân kỹ thuật (ngành Công nghệ sinh học) lại chuyển sang trồng rau nên gặp nhiều khó khăn trong việc chọn giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Việc thiếu nhân sự trong thời gian đầu, cũng như phải mày mò tìm phương án kinh doanh là những bài toán khó đối với anh lúc bấy giờ. Anh Lê Công Lập, Bí thư Đoàn Trường Đại học Nha Trang cho biết, từ lúc là sinh viên, Sáng rất năng nổ trong các hoạt động của Nhà trường. Nhiều chương trình tình nguyện, thi tài năng của Sáng đều gắn với rau sạch nên anh rất tin tưởng và ủng hộ việc phát triển nông nghiệp hữu cơ của anh Sáng. Bên cạnh đó, anh còn là nhà đầu tư chính cho dự án với hy vọng thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng với thực phẩm sạch. Để minh chứng cho việc trồng rau sạch đòi hỏi nhiều công sức, đưa chúng tôi đi xem những luống rau muống, rau dền, mồng tơi... xanh tốt; những giàn bí đỏ, mướp hương, luống cà… đang trĩu quả, chỉ vào chiếc bẫy làm bằng chai nhựa treo trên giàn, Sáng cho hay, trong mỗi chiếc bẫy đều chứa hợp chất tự nhiên như ớt, sả, gừng... để côn trùng không cắn phá cây, quả. “Rau củ do mình sản xuất luôn theo phương châm "3 không": không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và các hóa chất bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích tăng trưởng. Thay vì 30 ngày thu hoạch một lứa, rau của mình phải trội lên thành 35 - 37 ngày", Sáng cho biết. Ngoài 2 ha rau sạch tại Khánh Hòa, Mai Quốc Sáng còn hợp tác với một đơn vị khác tại tỉnh Lâm Đồng để trồng các loại củ, quả bằng phương pháp hữu cơ. Nhờ vậy, mỗi tháng công ty anh cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn rau quả các loại, thu về khoảng chục triệu đồng/tháng. Nhận rau sạch từ công ty của Sáng giao tận nhà, chị Nguyễn Thị Phương (phường Phước Long, thành phố Nha Trang) cho hay, việc mua rau sạch trồng theo phương pháp hữu cơ dù có đắt hơn ở chợ nhưng chị rất yên tâm.Rau sạch trong nhà lưới Đi nhiều nơi, làm nhiều việc để trải nghiệm, cuối cùng anh Nguyễn Thanh Lộc (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) quyết định chuyển từ một thành phố lớn để về quê trồng rau sạch vào năm 2012. Anh Lộc cho biết, lúc còn là giảng viên của một trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh cũng không nghĩ những ngày tháng về sau sẽ gắn với nghiệp trồng rau sạch. Năm 2007, khi đang học tiến sĩ tại Canada, anh làm quen với một số người bản địa chuyên trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh và được biết họ thu về hàng chục tỷ đồng/tháng. Từ đó, anh “nuôi” ý chí trồng rau sạch, khi có điều kiện là anh đến tận vườn của họ để học tập. Trở về Việt Nam, để có tiền mua đất trồng rau, thành lập công ty, anh Lộc phải làm nhiều việc khác nhau cùng lúc. Sau này ổn định, công ty rau của anh mỗi ngày cung cấp hàng tấn rau và thực phẩm sạch cho các nhà hàng, trường học, bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Song vẫn chưa đủ để thỏa chí đam mê cho đến khi anh về thăm quê tại Khánh Hòa. “Tại quê mình có điều kiện về thiên thời, địa lợi, nhân hòa phù hợp để phát triển rau sạch nên mình quyết định “bỏ phố” về đây mua đất trồng rau”, anh Lộc chia sẻ. Dừng chân trước khu vườn nhà lưới trị giá 1,3 tỷ đồng với diện tích khoảng 2.000 m2 được bê tông hóa gần như toàn bộ, chỉ chúng tôi nhìn hệ thống tưới, phun cho rau cải ngọt, cải đắng, diếp ca, bồ ngót, bồ công anh… anh Lộc cho biết, rau trồng bằng hệ thống này có nhiều thuận lợi hơn bên ngoài do không quá phụ thuộc vào thời tiết. Mặc khác, được trồng theo tiêu chuẩn VietGap với một quy trình khép kín nên rau đảm bảo an toàn. Tùy từng loại rau mà có thời gian thu hoạch sớm hay muộn. Đến nay, anh Lộc sở hữu hơn 2 ha rau sạch, mỗi tháng cung ứng cho thị trường hàng chục tấn rau và thu về 30 triệu đồng. Lợi ích kinh tế trồng rau rất quan trọng nhưng quan trọng số một vẫn là chất lượng và độ an toàn cho người sử dụng, anh Lộc nói: “Trước khi cung cấp cho các nhà trường, rau sẽ được phân loại, rửa sạch, khử trùng… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh”. Theo ông Nguyễn Tấn Duy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Thân, mô hình trồng rau của anh Lộc khá hay và hiệu quả, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong thời gian này, xã đang phối hợp với các Hội Nông dân và công ty rau của anh Lộc để tìm hiểu, khảo sát, tiến tới quy hoạch khu vực trồng rau sạch và thành lập Hợp tác xã sản xuất rau sạch Ninh Thân.Rau thủy canh siêu sạch Khác với cách trồng rau sạch trên đất, anh Nguyễn Văn Tuấn (1983) lựa chọn trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, đồng thời hướng dẫn, lắp đặt mô hình này cho hàng trăm gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn, với diện tích sân thượng chừng 8 -10 m2 có thể trồng từ 5 – 7 loại rau khác nhau bằng phương thức thủy canh mà không tốn công làm đất, nhổ cỏ và bơm thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Nguyễn Văn Tuấn với mô hình trồng rau thủy canh. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN |
Ông Lê Quang Lợi (phường Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa), chủ của một vườn rau thủy canh chia sẻ, ông chọn phương pháp trồng rau này bởi vừa có thể tận dụng không gian hẹp của gia đình để trồng rau, vừa giải trí rất hiệu quả. Tuy chi phí bỏ ra để trồng rau khá cao nhưng nếu trồng ổn định như hiện nay, gia đình ông luôn có đủ rau sạch để 8 người ăn. Hiện là giảng viên của trường Đại học Nha Trang (thành phố Nha Trang), anh Tuấn cho biết, việc trồng và lắp đặt hệ thống rau thủy canh không liên quan nhiều đến chuyên ngành anh dạy. Năm 2012, trong lần xem phóng sự truyền hình về phương pháp trồng rau sạch của Nhật Bản, anh thấy rất thú vị. Từ đó, cứ có thời gian anh lại mày mò nghiên cứu. Đôi ba lần anh bị thất bại bởi không có kinh nghiệm thực tế, mọi kiến thức có được đều qua sách, báo và mạng internet. Tuy vậy, anh quyết không từ bỏ và đã thành công. Đến nay, hàng trăm gia đình tìm đến đặt hàng anh lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh tại nhà. Trước nhu cầu của thị trường, anh Tuấn thành lập dịch vụ chuyên lắp đặt, tư vấn trồng rau thủy canh, với 5 - 6 nhân viên bán thời gian, tháng cao điểm anh thu nhập cả chục triệu đồng. Em Ngô Văn Viên, một nhân viên của dịch vụ cho biết, khi mới bước vào nghề, em vẫn chưa hiểu được giá trị của việc trồng rau sạch, nhờ sự hướng dẫn của anh Tuấn, đến nay, em đã thạo nghề và có hướng tự mở dịch vụ riêng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa Trần Thị Kim Liên nhận xét: Các mô hình trồng rau sạch của các thanh niên hiện nay phần nào đã khẳng định tính hiệu quả. Các sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những thị trường yêu cầu cao như các bếp ăn tập thể hay các nhà hàng, khách sạn.
Phan Sáu (TTXVN)