Khơi dậy tình yêu văn hóa Mường

Khơi dậy tình yêu văn hóa Mường

Do thay đổi lối sống, theo thời gian, nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã bị mai một và mất dần. Nhờ nỗ lực bảo tồn, nhiều giá trị văn hóa của người Mường được khôi phục lưu giữ trong cộng đồng.

Khơi dậy tình yêu văn hóa Mường ảnh 1Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) trình diễn đâm đuống bên nếp nhà sàn cổ. Ảnh: baophutho.vn

Mô hình hay bảo tồn văn hóa Mường
Về xã Khả Cửu huyện miền núi Thanh Sơn ngày nay, ai cũng cảm nhận được sự thay đổi tại những bản làng nơi đây. Đường làng được cứng hóa khang trang sạch đẹp, nhiều ngôi nhà sàn nằm xen giữa những ngôi nhà xây kiên cố đủ sắc màu bên sườn núi. Những chiếc cọn nước vẫn quay đều đưa nước lên đồng ruộng từ những con suối nhỏ chảy ra từ vách núi. Cuộc sống của đồng bào Mường nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt đặc trưng vốn có của vùng dân tộc. Đây là một trong số ít địa phương của huyện Thanh Sơn hiện còn lưu giữ khá đầy đủ những phong tục, tập quán, những nếp sinh hoạt truyền thống của đồng bào Mường.

Ngôi nhà sàn cổ của gia đình ông Đinh Văn Khánh ở bản Chuôi, xã Khả Cửu vẫn còn lưu giữ được khá nhiều những vật dụng truyền thống của người Mường. Nhà sàn của ông Quý đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ ngơi. Ông Khánh cho biết, những vật dụng truyền thống như: cối xay lúa, cuốc, liềm, hái, cọn nước, khung cửi, quốp đồ rau, đồ xôi, ớp để đựng rau, để đồ khô, màm đựng tôm, cua và cạp vo gạo vẫn được gia đình bảo quản cẩn thận. Bất cứ du khách nào khi đến đây cũng được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc của đồng bào Mường do chính gia đình ông chế biến. Du khách còn được thưởng thức những điệu múa truyền thống cùng tiếng chiêng vang vọng, được nghe những câu hát ví, hát giang của đồng bào Mường nơi đây.

Là một trong số ít người trong bản biết hát ví, hát giang, bà Hà Thị Vân, 68 tuổi ở bản Chuôi cho biết, những câu hát ví, hát giang đã đi theo suốt cuộc đời bà. Để giữ lại những làn điệu hát đó, bà thường xuyên truyền dạy cho con cháu trong gia đình và trai gái trong bản những câu hát do mình tự sáng tác và còn lưu giữ được từ các thế hệ trước. Bà Vân cho biết, ngày còn trẻ, vào những ngày đầu năm mới và những dịp lễ hội, bà và người dân trong bản lại ngồi quanh bếp lửa hồng cùng nhau hát những làn điệu ví trao duyên cho đến thâu đêm, suốt sáng. Không ít đôi trai gái đã thành duyên vợ chồng nhờ những câu hát ví, hát giang tha thiết đầy tình tứ này.

Anh Phùng Đình Kiên, 42 tuổi, cán bộ văn hóa xã Khả Cưu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường cho biết, xã Khả Cửu có tới 85% dân số là dân tộc Mường. Do sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài, nhiều trai gái ở bản người Mường không biết nhiều về những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Những điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc Mường như sênh tiền, múa bông, múa mỡi, múa trống đu, múa chạm ống ít được giới trẻ yêu thích. Cùng với đó, trang phục, tiếng nói của người Mường cũng ít được sử dụng. Nhiều ngôi nhà sàn của người Mường đã dỡ bỏ đi để xây nhà cao tầng kiên cố. Những vật dụng truyền thống cũng không còn được sử dụng khiến cho giá trị văn hóa của đồng bào Mường đang bị mai một dần.

Từ thực tế tại địa phương, năm 2018, xã Khả Cửu đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa Mường với 15 thành viên tham gia. Sau 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ văn hóa Mường đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều trò chơi dân gian như hát ví, múa mỡi, đâm đuống, cồng chiêng đã được khôi phục lại qua đó đã góp phần bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Câu lạc bộ văn hóa Mường xã Khả Cửu đã trở thành “con chim đầu đàn” trong các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, là đại diện cho xã, huyện đi giao lưu biểu diễn ở nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Câu lạc bộ văn hóa Mường còn là một trong những điểm nhấn ở điểm du lịch cộng đồng bản Chuôi, xã Khả Cửu, hàng tuần bản Chuôi vẫn đón hàng chục lượt du khách tới thăm. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản đặc trưng riêng của người Mường như múa cồng chiêng, ẩm thực… do chính các thành viên trong câu lạc bộ biểu diễn.

Từ phong trào của Câu lạc bộ, đến nay, 14/14 khu dân cư trong xã Khả Cửu đã thành lập được các đội văn nghệ. Từ đó, tạo động lực để bà con dân tộc Mường phấn khởi, có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nhân ra diện rộng

 Thanh Sơn là huyện miền núi có 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm gần 60% dân số toàn huyện. Đời sống tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường ở Thanh Sơn hết sức phong phú.

Do nhiều nguyên nhân, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ mai một. Trong đó, nhiều di sản văn hóa hết sức độc đáo như: nghệ thuật trình diễn dân gian đâm đuống, chạm ống; hát ví, hát giang, hát mỡi; diễn xướng cồng chiêng, đánh trống đất, múa trống đu, múa bông, múa sênh tiền; tập quán Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng Tổ tiên, tục thờ lúa, cầu vía lúa; tục hạ điền, tục mở cửa và đóng cửa rừng… ít được lưu giữ nên đã bị mai một dần. Bên cạnh đó, kiến trúc nhà ở, không gian văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục, vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đã thay đổi và cách tân rất nhiều mất đi giá trị truyền thống.

Bà Ngô Ngân Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Thanh Sơn cho biết, trước thực trạng trên, UBND huyện Thanh Sơn đã xây dựng đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Sau 4 năm thực hiện đề án, đến nay, huyện đã bảo tồn trên 500 chiếc chiêng; 400 bộ quần áo, gần 100 nhà sàn truyền thống và nhiều đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt được lưu giữ trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường. Các địa phương trong huyện thành lập được 95 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường, bước đầu hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu.

Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ văn hóa, nghệ nhân, người uy tín tại các xã về việc giữ gìn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Các nghệ nhân, cán bộ văn hóa còn được bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống có nguy cơ thất truyền trong cộng đồng dân tộc thiểu số; phương pháp triển khai xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy mô hình câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường trong phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch địa phương.

Các khóa tập huấn giúp cán bộ văn hóa xã, các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Sơn có cơ hội được tiếp cận, nắm bắt các kiến thức về công tác quản lý văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình ở cơ sở. Đồng thời, họ được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ đó, cán bộ làm công tác văn hóa, các nghệ nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hướng dẫn phương pháp hoạt động phát huy mô hình các Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Ðương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thời gian tới, huyện tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường. Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, qua đó các già làng, trưởng thôn có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc mình qua tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca, hát sắc bùa, múa sạp, hay cách sử dụng cồng chiêng...; khuyến khích, cổ vũ các nghệ nhân có kế hoạch mở lớp truyền dạy về tiếng nói, về lời hát cồng, chiêng…

Ngoài ra, huyện Thanh Sơn tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường như xây dựng phòng trưng bày các di sản văn hóa truyền thống. Huyện tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số cấp xã, thị trấn; điều tra, khảo sát, thống kê và đánh giá thực tế, đầy đủ hơn các di sản văn hóa điển hình truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu 100% số xã, thị trấn có câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường; 70-80% số xã xây dựng nhà sàn truyền thống ở trung tâm xã phục vụ sinh hoạt cộng đồng. 100% các khu dân cư có từ 50% đồng bào dân tộc Mường trở lên có đội trình diễn văn hóa dân tộc Mường. Đồng thời, huyện sẽ vận động người dân, cán bộ công chức mặc trang phục dân tộc Mường vào vào các dịp lễ, Tết. Các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông trên địa bàn huyện sẽ thành lập được đội văn hóa trình diễn văn hóa, khôi phục trang phục dân tộc Mường…

Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm