Tác phẩm đá mỹ nghệ của người dân. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn |
Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2020, các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận như nghề gốm (huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang); dệt chiếu cói, đúc đồng (huyện Diên Khánh); xoi trầm hương (Vạn Ninh)… sẽ được tỉnh đầu tư trên 13 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các nghệ nhân, doanh nghiệp phát triển nghề, tạo sự gắn kết với các điểm du lịch tại địa phương hoặc hình thành các tuyến du lịch mới trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn dự kiến sẽ du nhập một số nghề mới như: nghề pháp lam Huế, nghề tranh đá quý, chạm bạc, thêu kimono; khôi phục các làng nghề hải sản mỹ nghệ, mành ốc mỹ nghệ (thành phố Nha Trang) và phát triển làng nghề mới như chế tác trầm hương (huyện Diên Khánh)… nhằm tạo các sản phẩm có giá trị và hiệu quả về kinh tế, phục vụ nhu cầu mua sắm quà tặng cho du khách.
Theo quy hoạch chung, tổng nguồn vốn đầu tư để phát triển ngành nghề nông thôn của Khánh Hòa cần khoảng 2.978 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 98 tỷ đồng, phần còn lại do người dân, doanh nghiệp tham gia nghề, làng nghề đầu tư. Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030, Khánh Hòa có trên 13.550 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động và tạo ra tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 12.85 tỷ đồng.
Trong thực tế, với lượng du khách mỗi năm đến Khánh Hòa đạt từ 4,5 – 5 triệu lượt du khách lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng và hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan trong ngày, nhiều làng nghề truyền thống ở Khánh Hòa như: nghề làm bánh ướt (huyện Diên Khánh), làm nem chả (thị xã Ninh Hòa), nghề gốm (thành phố Nha Trang)… luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm./.
Tiên Minh
TTXVN