UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đưa ra kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý các di sản thiên nhiên; quản lý, bảo tồn tính đa dạng sinh học cao tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, kế hoạch nhằm mục tiêu có trên 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46,5%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư. Tỉnh tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Trước mắt, Khánh Hòa đưa ra một số dự án cụ thể sẽ triển khai trong giai đoạn 2022- 2030, như: Xây dựng hồ sơ thiết lập Khu dự trữ sinh quyển Hòn Bà - Sông Cái; Đề án bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh; Đề án diệt trừ, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại tại các Khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh; Đề án khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Thái - Giang Ly…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương sẽ triển khai xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; đẩy mạnh lồng ghép, thực hiện yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công. Tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong toàn xã hội…Qua đó, Khánh Hòa kỳ vọng sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nguồn vốn để thực hiện kế hoạch này được bố trí từ vốn ngân sách nhà nước, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác, vốn tín dụng từ tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng, dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, từ nguồn đầu tư, đóng góp, ủng hộ, tài trợ của tổ chức, cá nhân.
UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chuyên ngành quản lý cho từng đơn vị, cơ quan và địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ với các mục tiêu, nội dung của kế hoạch nói trên.
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển và tài nguyên rừng, trong đó, diện tích rừng hiện có trên 186 nghìn ha. Địa phương là một trong những trung tâm về đa dạng sinh học rừng của khu vực. Với hơn 380km bờ biển và hàng trăm đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, nhiều vịnh, vũng, Khánh Hòa có nhiều hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ.
Tiên Minh