Khánh Hòa cũng đang triển khai nhiều dự án di dời tái định cư cho người dân sống ở vùng thường bị lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. |
Tổng số kinh phí để thực hiện chính sách này lên đến hơn 60 tỷ đồng. Đối tượng được thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất, khó khăn về nước sinh hoạt; lâu nay chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Theo phương án, toàn tỉnh có trên 1.030 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, với định mức được cấp 200 m2/hộ; trên 2.300 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất với định mức giao đất sản xuất chuyên trồng lúa nước không quá 0,15 ha/hộ, đất trồng lúa nương hoặc cây hàng năm khác không quá 0,25 ha/hộ, đất trồng cây lâu năm không quá 0,5 ha/hộ. Ngoài đất, mỗi hộ còn được hỗ trợ bằng tiền mặt tối đa 5 triệu đồng và được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác, tăng thu nhập. Trên 2.110 hộ có nhu cầu về nước sinh hoạt sẽ được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết: Toàn tỉnh có hơn 71 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn sống tập trung ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, đến nay không còn tình trạng du canh, du cư. Mặc dù lâu nay được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao mức sống ở các địa phương thuộc diện khó khăn, những vùng này vẫn cần được tiếp tục hỗ trợ để cuộc sống của người nghèo miền núi nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện hơn nữa.
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các ngành chức năng nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung chi tiết, để ngay trong năm 2018 sẽ thực hiện đề án tại cơ sở, tổng số kinh phí hỗ trợ bước đầu là hơn 33 tỷ đồng.
Tiên Minh
TTXVN