Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm du lịch với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch của địa phương đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng cao; có giá trị gia tăng cao, thu hút thêm nhiều du khách cũng như đầu tư vào du lịch; đảm bảo tính bền vững, cạnh tranh trong khu vực, quốc tế.
Theo đó, đến năm 2025, địa phương này sẽ hình thành các dòng sản phẩm du lịch đặc thù theo ba vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực có tiềm năng du lịch của tỉnh; trong đó, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm vịnh, đảo trở thành sản phẩm có thương hiệu. Tỉnh tập trung đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và hệ thống cơ sở vật chất phát triển sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch đêm, mua sắm, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe... tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Khánh Hòa và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ định vị rõ nét các dòng sản phẩm gắn với 4 vùng tài nguyên du lịch của tỉnh, trong đó cùng với du lịch biển, đảo, các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, sinh thái, mua sắm và chăm sóc sức khỏe sẽ là những sản phẩm thương hiệu, thu hút mạnh du khách quốc tế, nội địa.
Tỉnh tập trung phát triển thị trường khách, sản phẩm, không gian du lịch trên cơ sở đầu tư mạnh mẽ để xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật có chất lượng cao, đẳng cấp, đồng bộ, có đủ điều kiện phục vụ nhu cầu của du khách chi trả cao. Khánh Hòa sẽ đầu tư để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; tạo ra những sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh trên thị trường các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; có khả năng đáp ứng nhu cầu, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của của du khách. Tỉnh sẽ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với địa bàn vịnh Vân Phong; ưu tiên đầu tư hạ tầng khung khu du lịch Bắc Cam Ranh, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia tại quần đảo Trường Sa và các điểm du lịch tiềm năng đặc biệt dọc tuyến sông Cái, ở không gian du lịch vùng núi phía Tây của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho các sở: Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành sớm triển khai các nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn theo các nội dung của đề án.
Trong 5 năm (2016 - 2020), du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển mạnh mẽ; các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch tăng từ 15 - 20%/năm. Toàn tỉnh có trên 1.100 cơ sở lưu trú với hơn 50.000 phòng, trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 3-5 sao. Trong năm 2019, đóng góp của ngành Du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12,3%, tổng số du khách đạt mức 7 triệu lượt, trong đó có hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 11 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng. Tỉnh có 70.000 phòng lưu trú, trong đó có khoảng 60% phòng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; tạo việc làm cho trên 160.000 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch, COVID-19, ngành Du lịch Khánh Hòa phải đối mặt với nhiều khó khăn, lượng du khách sụt giảm nghiêm trọng. Riêng 9 tháng năm 2021, tỉnh chỉ đón gần 500 nghìn lượt du khách, công suất sử dụng phòng chỉ đạt gần 8,5%, tổng doanh thu từ khách du lịch chỉ đạt 2.368 tỷ đồng.
Tiên Minh